Diện tích trồng hoa ở Lâm Đồng đã ở mức 3.500 ha, sản lượng hoa mỗi năm xấp xỉ 1,8 tỷ cành. Thế nhưng, phần lớn sản lượng hoa Đà Lạt chủ yếu cung ứng thị trường trong nước. Lượng hoa xuất khẩu hiện chỉ mới dừng ở những doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Khoảng 10% sản lượng hoa cắt cành được xuất khẩu là sự thiệt thòi không hề nhỏ đối với ngành sản xuất hoa Lâm Đồng.
Những nhà vườn trồng hoa dường như đã quen với một nghịch lý "vừa thừa vừa thiếu" ở thị trường hoa. Thừa sản lượng hoa cung ứng trong nước tại một số thời điểm và thiếu sản lượng hoa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Các nhà vườn đã mất đi cơ hội nâng cao thu nhập mà lẽ ra phải có.
Sản xuất hoa không phải là chuyện khó đối với các nhà vườn chuyên canh hoa tỉnh Lâm Đồng, nhưng cái khó là ngay cả những nhà vườn giàu kinh nghiệm cũng không dễ biết được phải sản xuất như thế nào để hoa làm ra được xuất khẩu.
Với những vùng trồng hoa mang tầm khu vực Đông Nam Á như vùng trồng hoa Lâm Đồng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để tăng mạnh lượng hoa xuất khẩu, điều mấu chốt là nông dân sản xuất hoa cần được biết tiêu chuẩn hoa xuất khẩu. Từ những tiêu chuẩn này, họ mới có sự đầu tư đúng hướng.
Thế nhưng, để tiếp cận các tiêu chuẩn xuất khẩu, tự thân nông dân không thể làm được mà ở đây, vai trò của các công ty hạt nhân trong xuất khẩu hoa có ý nghĩa quan trọng. Qua hợp đồng thương mại, chỉ những công tuy xuất khẩu mới nắm được tiêu chuẩn đối với hoa xuất khẩu từ phía đối tác.
Bước đầu, nhà sản xuất hoa hàng đầu ở Lâm Đồng là Dalat Hasfarm đã liên kết với trên 120 nông dân trong vùng. Những nông dân này sản xuất hoa theo những tiêu chuẩn kỹ thuật mà công ty đưa ra. Điều này giúp nông dân có thể trồng hoa xuất khẩu khi biết được các quy chuẩn từ thị trường. Nhưng con số 120 nông dân trồng hoa xuất khẩu ở Lâm Đồng có được tăng lên hay không vẫn còn phụ thuộc vào tính bền vững của mối liên kết sản xuất hoa xuất khẩu.