VTV.vn- Với việc củng cố và phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, Hưng Yên hướng đến tạo đầu ra ổn định cho trái nhãn.
Đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, các nhóm nông sản chủ lực của tỉnh cũng gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định và xuất khẩu sang các nước. Tuy vây, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các hợp tác xã, hộ nông dân canh tác theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt để các loại cây trồng, nhất là các sản phẩm chủ lực như nhãn, vải, chuối, đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy chuẩn đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Nhờ vậy, sản lượng dự kiến một số nông sản chủ lực của tỉnh như nhãn đạt 50.000 tấn, vải 15.000 tấn, cam 33.000 tấn, chuối 66.850 tấn, thịt lợn hơi xuất chuồng 88.800 tấn, thuỷ sản 45.000 tấn, gà Đông Tảo gần 4.500 tấn, trứng gia cầm 302 triệu quả…
Hội nghị “Kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên”.
Hiện tỉnh ước tính có gần 5.000 ha trồng nhãn với sản lượng ước tính 50.000 tấn. Như vậy, diện tích đất trồng tăng 24% so với 2019, trong đó, sản lượng ước tính cao hơn năm 2019 khoảng 18.500 tấn, vượt kỷ lục sản lượng tiêu thụ năm 2018 là 48.600 tấn.
Để đảm bảo đầu ra ổn định cho các nhà vườn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh Hưng Yên tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên, trong đó có Hội nghị “Kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2020” diễn ra vào hôm nay (31/7).
Đánh giá cao công tác phát triển thị trường, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trái nhãn nói riêng và nông sản nói chung, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, nhãn lồng Hưng Yên nằm trong TOP 50 trái cây ngon nhất Việt Nam. Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều dự án nâng cao chất lượng vùng trồng nhãn, đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại được Hưng Yên tổ chức bài bản nhằm kết nối tiêu thụ vào hệ thống phân phối hiện đại trong nước. Hưng Yên đã và đang tận dụng được vị thế là vệ tinh của thị trường Hà Nội. Nhãn và nông sản Hưng Yên đã có mặt tại các kênh phân phối hiện đại trên địa bàn Hà Nội, các chợ đầu mối cũng như các trung tâm tiêu dùng lớn của miền Trung và miền Nam. Nhãn cũng đã xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn.
Tại hội nghị đã diễn ra các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu quảng bá về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư sản xuất, kinh doanh nông sản, hội thi bình chọn Nhãn lồng, Hội thảo chuyên đề "Sản xuất nông nghiệp, an toàn, bền vững". Ngoài ra, còn có hoạt động du lịch, tham quan tại các nhà vườn, trang trại, làng nghề các điểm di tích lịch sử văn hoá của tỉnh.
Lễ ký kết gần 20 doanh nghiệp trong đó có hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam với các hợp tác xã sản xuất
Tại hội nghị cũng diễn ra lễ ký kết gần 20 doanh nghiệp trong đó có hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam với các hợp tác xã sản xuất với sản lượng khoảng 25.000 tấn nhãn tương đương với 50% sản lượng dự kiến.
Phát biểu tại hội nghị, Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Hồ Tỏa Cẩm chia sẻ: "Nửa đầu năm nay, thương mại 2 bên Việt Nam - Trung Quốc đạt gần 80 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, Trung Quốc nhập khẩu từ VN đạt 32,3 tỷ USD tăng 27,5% so với năm ngoái. Tỷ trọng thương mại Trung Việt trong khối Asean đạt 36%. Trung Quốc tiếp tục là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt, nhiều nông sản của Việt Nam như nhãn, tiêu, các mặt hàng thuỷ sản, đặc biệt nhãn lồng hưng yên được nhiều người tiêu dùng Trung Quốc ưa thích".
Ngoài ra, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Hưng Yên cũng dự kiến hỗ trợ người dân đưa ra các giải pháp đưa nhãn lồng giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!