Một nhân viên đang trả lời điện thoại trong văn phòng nhóm vận động rời EU. (Ảnh: Reuters)
Khủng hoảng chính trường Anh
Nếu cử tri Anh bỏ phiếu rời EU, Thủ tướng Anh David Cameron sẽ phải đối mặt với áp lực từ chức lớn, khi ngay tại thời điểm hiện tại, nội bộ Đảng bảo thủ cầm quyền của ông Cameron đang chia rẽ sâu sắc về vấn đề đi hay ở lại EU.
Nếu Anh rời EU, họ sẽ không thể quay trở lại. Anh sau đó sẽ có hai năm đàm phán về việc rời EU.
Biến động kinh tế
Nếu rời đi, Anh sẽ mất quyền tự do giao thương với các nước còn lại trong EU - thị trường tiêu thụ 45% hàng xuất khẩu của Anh. Các nước khác trong EU đã rót 496 triệu Bảng vào Anh năm 2014, chiếm gần một nửa lượng đầu tư nước ngoài tại Anh. Những người vận động ở lại EU cho biết dòng tiền này sẽ giảm nếu Anh rời đi. Ngoài ra, khoảng 820.000 việc làm sẽ bị mất nếu Anh rời khối này.
Số phận người di cư
Việc rời EU cũng làm dấy lên câu hỏi về số phận của gần 3 triệu người thuộc các nước EU đang sống tại Anh. Những người vận động ra đi cho rằng họ sẽ được cho phép ở lại, nhưng trong tương lai, những trường hợp thế này sẽ cần xin visa.
Kịch bản Brexit cũng sẽ tác động đến gần 1,2 triệu người Anh đang sống tại các nước EU khác, do họ có thể mất quyền tự do đi lại và tiếp cận các lợi ích khác, như y tế.
Hiệu ứng Domino
Anh rời EU có thể sẽ châm ngòi cho thời kỳ biến động tại châu Âu. Lãnh đạo nhiều nước EU đang lo ngại nếu Anh rời đi, các nước khác có thể sẽ theo bước Anh. Việc này sẽ khiến EU dần tan rã, gây hậu quả lớn cho kinh tế, an ninh và ổn định toàn cầu.
Mối đe dọa trực tiếp hơn là Vương quốc Anh có thể tan rã. Lãnh đạo Đảng Quốc gia Scotland cho biết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý rời Vương quốc Anh, nếu Anh rời khỏi EU.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!