Tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-Yeol sau khi nghe tin đắc cử tại trụ sở Quốc hội (Nguồn: Nikkei Asia)
Ứng cử viên Yoon Suk-Yeol của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) đối lập chính đã trở thành Tân Tổng thống thứ 20 của Hàn Quốc, sau khi giành chiến thắng sít sao đối thủ của mình với 48,56% phiếu ủng hộ. Ông được kỳ vọng sẽ mang đến một luồng gió mới cho chính trường Hàn Quốc.
Tân Tổng thống Hàn Quốc phát biểu tại sự kiện với người ủng hộ tại Seoul (Nguồn: Reuters)
Trong diễn văn mừng chiến thắng, ông Yoon Suk-Yeol nói rằng chiến thắng của ông là "chiến thắng của nhân dân". Đây là một chiến thắng lớn của đảng Quyền lực Quốc dân. Đảng từng rơi vào tình trạng hỗn loạn vào năm 2017 sau khi cựu Tổng thống Park Geun-hye bị luận tội.
Phát biểu trước người ủng hộ, ông Yoon tuyên bố sẽ coi "đoàn kết quốc gia" là ưu tiên hàng đầu, và rằng tất cả nguời dân cần được đối xử bình đẳng bất kể sự khác biệt về vùng miền, địa vị chính trị hay kinh tế xã hội.
Nhiệm kỳ 5 năm của ông Yoon sẽ bắt đầu vào tháng này để thay thế Tổng thống đương nhiệm Moon Jae In. Ông Yoon cam kết sẽ tôn trọng hiến pháp, quốc hội và hợp tác với các đảng đối lập để hàn gắn nền chính trị đang bị phân cực và thúc đẩy đoàn kết. Vị Tân tổng thống Yoon cũng sẽ người dẫn dắt nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, giá nhà tăng cao và vẫn phải đối mặt với các mối đe dọa từ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Thách thức chính sách đối ngoại lớn nhất của ông sẽ là điều hướng đất nước vốn mắc kẹt giữa sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa hai đối tác thương mại lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc.
"Hung thần" của các quan tham
Là một người mới tham gia chính trường, ông Yoon Suk-Yeol trước đó đã cống hiến 27 năm sự nghiệp của mình với tư cách là một công tố viên. Ông được mệnh danh là "hung thần" của các quan tham, khi thẳng tay truy tố những người giàu có và chính trị gia quyền lực nhất đất nước. Điều này giúp ông thu hút một lượng lớn cử tri kỳ vọng vào một luồng gió mới cho xã hội Hàn Quốc.
Ông đã tiến hành các cuộc điều tra nhằm vào những người tiền nhiệm của Tổng thống Moon Jae In - hai cựu Tổng thống Park Geun Hye và Lee Myung Bak. Cả hai người cuối cùng đều bị kết tội tham nhũng và lạm quyền.
Theo New York Times, ông cũng tham gia cuộc điều tra người đứng đầu tập đoàn Samsung và một cựu chánh án Tòa án Tối cao vì tội tham nhũng. Những cuộc điều tra này được ca ngợi rộng rãi như một chiến dịch nhằm xóa bỏ "tệ nạn đã ăn sâu" nền chính trị Hàn Quốc.
Đề cao sức mạnh quân sự
Về chính sách đối ngoại, Tổng thống Yoon thể hiện rõ lập trường cứng rắn với các hành động quân sự của Triều Tiên, đồng thời tập trung thúc đẩy một liên minh mạnh mẽ hơn nữa với Mỹ, để vô hiệu hóa các mối đe dọa hạt nhân.
"Hòa bình chỉ có thể được duy trì khi có sự răn đe mạnh mẽ. Một cuộc chiến tranh chỉ có thể được ngăn chặn bằng cách đảm bảo khả năng tấn công phủ đầu và thể hiện ý chí theo đuổi nó. Như chúng ta đã thấy ở Ukraine, an ninh quốc gia và hòa bình của một quốc gia không thể được bảo vệ bằng giấy và mực", ông Yoon đã nói trong một cuộc tranh luận tổng thống vào tháng trước.
Nhóm các cố vấn chính sách của ông cũng ủng hộ một Hàn Quốc mạnh hơn về mặt quân sự với các khoản đầu tư lớn vào quốc phòng. "Những lo lắng về khủng hoảng an ninh quốc gia đã dâng cao ở Hàn Quốc khi mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên gia tăng và đặc biệt là sau căng thẳng giữa Nga và Ukraine", ông Bong Youngshik thuộc Viện Nghiên cứu Triều Tiên Yonsei chia sẻ với ABC News.
Tân Tổng thống Yoon cũng để ngỏ khả năng triển khai thêm Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc, để ngăn chặn các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên, bất chấp những rủi ro rằng hệ thống này có thể gây ra đòn đáp trả kinh tế mới từ Trung Quốc.
"Ông ấy sẽ yêu cầu Triều Tiên phi hạt nhân hóa trước bất kỳ cuộc đàm phán nào. Thay vì theo đuổi chính sách đối thoại, ông Yoon dự định triển khai thêm các đơn vị thuộc Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ và tăng cường các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ", ông Cheong Seong-Chang, nhà nghiên cứu tại Viện Sejong có trụ sở tại Seoul, chia sẻ với ABC News.
"Chính phủ của ông Yoon sẽ có lập trường khác với chính quyền cựu Tổng thống Moon trong việc đối phó với Triều Tiên. Ông ấy sẽ không đưa ra biện pháp gỡ bỏ cấm vận, trừ khi Triều Tiên thực hiện các bước phi hạt nhân hóa quan trọng", ông Shin Beom Chul, Giám đốc Trung tâm Ngoại giao và An ninh thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Hàn Quốc, chia sẻ với ABC News.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!