Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc một lần nữa đứng trước thử thách mới. Khúc mắc lần này là về một vấn đề thương mại. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh mở màn cho một cuộc điều tra chính thức về những vi phạm thương mại của Trung Quốc. Cuộc điều tra này có thể kéo dài một năm và dẫn tới những biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc nếu có kết luận về sự vi phạm.
Hành động của phía Mỹ được cho là chắc chắn gặp phải sự trả đũa từ Trung Quốc, đồng thời có thể sẽ mở màn cho một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong trường hợp cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra, không chỉ riêng 2 nền kinh tế này bị thiệt hại nặng nề mà nền kinh tế thế giới cũng phải chịu hệ quả không nhỏ.
Quyết định của Tổng thống Donald Trump không gây ngạc nhiên bởi từ khi tranh cử năm 2016, ông Trump đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ và là nguyên nhân của tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đáng nói là sắc lệnh mở cuộc điều tra vi phạm về sở hữu trí tuệ của chính quyền Mỹ xảy ra trong bối cảnh chính quyền ông Donald Trump đang cần sử dụng sức ép từ Bắc Kinh để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.
Với những diễn biến phức tạp và đan chéo nhau, dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi như liệu cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể xảy ra? Tại sao Mỹ lại quyết định mở cuộc điều tra thương mại với Trung Quốc về thời điểm này? Ngoài vấn đề thương mại, quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ còn chịu tác động nào từ các vấn đề an ninh khu vực? Những câu hỏi này cũng đã được bàn luận trong chương trình Toàn cảnh thế giới tuần này.
Nhìn nhận về sắc lệnh mới của chính quyền Donald Trump đối với Trung Quốc, GS.TS Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH và Nhân văn khẳng định rất có thể đây là sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh thương mại.
"Để đi tới lời tuyên bố về một cuộc chiến tranh thương mại như Mỹ có dự định cũng cần quá trình, trước hết bắt đầu bằng một cuộc điều tra, thu thập thông tin, bằng chứng, sau đó tiến hành điều trần để lắng nghe các bên. Quá trình này có thể rất dài, tới 1 năm tùy thuộc vào tiến độ điều tra và kết quả. Đó là quá trình dài để nhằm cân bằng lại cán cân thương mại khi Mỹ đang phải đứng trong tình trạng nhập siêu. Đặc biệt là vấn đề vi phạm bản quyền gây thiệt hại khoảng 600 tỷ USD cho Mỹ", GS.TS Phạm Quang Minh phân tích.
"Tổng thống Mỹ cho rằng họ đã có nhiều hành động thể hiện thiện chí như thương thuyết, thực hiện biện pháp nhằm hạn chế vi phạm bản quyền nhưng cho tới nay, tình hình chưa có tiến triển, giai đoạn kiên nhẫn đã hết. Mỹ đã nổ phát súng đầu tiên. Trong cuộc mâu thuẫn này, Mỹ là người đã quyết định đưa ra hành động đầu tiên để cho thấy Mỹ không thể chấp nhận tình trạng mất cân đối như vậy và thể hiện sức mạnh của mình".
Hiện tại, còn sớm để khẳng định liệu có xảy ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung quốc, nhưng nếu nó xảy ra, thiệt hại đối với hai bên là chắc chắn. Đây là nhận định của GS.TS Phạm Quang Minh về tình hình quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn trên thế giới. Cái lợi của Mỹ có thể gây ra cái hại cho Trung Quốc nên ở trường hợp này, tính tương tác rất lớn. Một khi hình thành chiến tranh, nó không chỉ tác động tới hai nền kinh tế mà còn ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác như Trung Quốc có thể đáp trả bằng việc không nhập khẩu ô tô, không xuất khẩu ngô... kéo theo đó, các nền kinh tế khác sẽ được hưởng lợi trong cuộc chiến tranh này".
"Sắc lệnh Tổng thống Mỹ vừa ban hành nhằm điều tra những vi phạm của Trung Quốc trong vấn đề sở hữu trí tuệ được ra trong bối cảnh đặc biệt. Đó là sự leo thang của chương trình hạt nhân ở Triều Tiên. Tổng thống Mỹ đưa ra sắc lệnh với mục đích sử dụng vấn đề kinh tế cho vấn đề chính trị là bán đảo Triều Tiên. Do đó, có thể nói đây là quyết định rất táo bạo và cũng có phần mạo hiểm".
"Triều Tiên là vấn đề an ninh có tính khu vực, không chỉ liên quan riêng tới Mỹ và Trung Quốc. Ở đây, có thể nói Mỹ sử dụng nước cờ chiếu tướng bắt xe, tức là bắt áp đặt Trung Quốc, dùng nước này thay đổi vấn đề Triều Tiên. Điều đó khó có thể đạt được kết quả hợp tác tốt đẹp giữa hai bên, bởi Trung Quốc có khó thể thay đổi chương trình của mình", GS.TS Phạm Quang Minh cho biết thêm.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, mới quý vị và các bạn theo dõi chương trình Toàn cảnh thế giới qua video dưới đây: