Cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 đã lật đổ chế độ quân chủ do Shah Mohammad Pahlavi được Mỹ hậu thuẫn, khai sinh ra nước Cộng hòa hồi giáo Iran do Ayatollah Ruhollah Khomeini lãnh đạo.
Cũng trong năm đó, sinh viên Iran đã bắt cóc 63 con tin tại Sứ quán Mỹ ở Tehran, gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị giữa hai nước khiến Mỹ không những cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran mà còn áp đặt lệnh cấm vận lên quốc gia Hồi giáo này.
Mỹ - Iran được đánh giá là mối quan hệ đối đầu với chồng chất các yếu tố thù địch rất khó tháo gỡ từ lịch sử cho tới hiện tại
Từ 1995-2006, các chính phủ Mỹ tiếp nối gia tăng các lệnh trừng phạt kinh tế chống Iran và coi nước này là quốc gia hỗ trợ khủng bố.
Với việc lên cầm quyền của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, một người theo đường lối cứng rắn vào năm 2005, các hoạt động làm giàu uranium của Iran được tái khởi động đồng nghĩa với việc gia tăng các biện pháp trừng phạt, cấm vận từ Mỹ, phương Tây và Liên Hợp Quốc.
Dưới thời tổng thống Bill Clinton, Mỹ áp đặt lệnh cấm vận thương mại và dầu lửa đối với Iran, với lý do nước này tài trợ cho khủng bố, theo đuổi các chương trình vũ khí hạt nhân, và có thái độ thù địch đối với tiến trình hoà bình Trung Đông.
Trong những năm từ 2006 đến 2008, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua 3 Nghị quyết trừng phạt ở nhiều mức độ đối với Iran. Tổng thống Bush đã đưa nước này vào danh sách "trục ma quỷ" và áp đặt nhiều lệnh trừng phạt. Còn Tổng thống kế nhiệm Barack Obama cũng giơ cao cây gậy trừng phạt đối với Iran dù trước đó tuyên bố "hợp tác vô điều kiện với Iran". Trong thời gian này, công nghệ hạt nhân và khả năng sản xuất uranium làm giàu của Iran đã được cải thiện đáng kể.
Trong gần 20 năm, hồ sơ Iran là sự chạy đua giữa 2 xu hướng: Ngoại giao và trừng phạt. Cho đến năm 2015, xu thế hoà giải và đối thoại đã thắng thế.
Thế giới vui mừng đón nhận thoả thuận về chương trình hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức. Theo đó, Iran đồng ý giảm bớt chương trình hạt nhân để đổi lấy sự nới lỏng một số lệnh trừng phạt.
Dưới thời Tổng thống Trump, quan hệ Mỹ - Iran đã trở nên vô cùng căng thẳng
Trong khi hồ sơ Iran đang có xu hướng nguội bớt thì tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thêm mồi lửa khi quyết định rút Mỹ khỏi thoả thuận vì cho rằng thỏa thuận hạt nhân Iran không ngăn được Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời tuyên bố tăng sức ép lớn nhất, gia tăng lệnh cấm vận chống Iran.
Tổng thống Trump không chỉ đặt ra giới hạn sâu hơn với chương trình hạt nhân Iran, mà còn nhằm vào dự án tên lửa đạn đạo cũng như yêu cầu Iran giảm ảnh hưởng trên khắp Trung Đông.
Hồ sơ Iran đã qua gần 20 năm đầy khó khăn để giảm sức nóng thì nay có thể bùng cháy trở lại.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!