Hầu hết người dân trên toàn thế giới đã được đón năm mới 2018 trong yên bình và hạnh phúc với những màn bắn pháo hoa rực rỡ, những lễ hội sôi động. Nhưng cũng có không ít nơi, năm mới 2018 lại được đánh dấu bằng những vụ đánh bom, những cuộc biểu tình hay những trận thiên tai và các vụ tai nạn. Còn trên bình diện ngoại giao quốc tế, ngay trong tuần đầu tiên của năm mới 2018 đã xuất hiện những động thái được cho là sẽ tác động tới xu hướng của các mối quan hệ quốc tế cũng như các điểm nóng của thế giới trong năm nay.
Trong chương trình Toàn cảnh thế giới tuần đầu tiên của năm 2018, TS. Lê Đình Tĩnh đến từ Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao đã có cuộc trao đổi về những dự báo của tình hình thế giới dựa trên sự phân tích các sự kiện lớn của năm 2017 và tuần đầu tiên của năm 2018.
Theo dự báo của TS. Lê Đình Tĩnh, tình hình thế giới năm 2018 sẽ là sự chuyển động xen lẫn của 2 gam màu sáng tối, trong đó gam màu sáng nổi trội hơn.
"Kinh tế sẽ là điểm sáng của năm nay trong khi vẫn còn nhiều nguy cơ phức tạp về an ninh. Đồng thời năm 2018 cũng là thời điểm của những quyết định quan trọng bởi các cuộc bầu cử ở rất nhiều quốc gia cũng như triển khai chiến lược của rất nhiều cường quốc và trung tâm quyền lực trên thế giới" - chuyên gia của Học viện Ngoại giao nhận định.
Thế giới vừa trải qua 1 năm 2017 đầy bất ổn, bất định và bất an với những sự đảo chiều trong hầu hết các vấn đề quốc tế. Những sự kiện và những xu hướng lớn của năm 2017 được cho là sẽ vẫn tiếp tục tác động mạnh tới tình hình thế giới năm 2018. Chính vì thế, nếu nhìn từ bức tranh nhiều mảng xám của thế giới năm 2017, nhiều dự đoán không mấy lạc quan đã được đưa ra cho năm nay. Nhiều nguy cơ địa chính trị đang đe dọa sự ổn định của nhiều khu vực và thế giới từ sự nóng lên của các điểm nóng thế giới như khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên và Iran, tiến trình hòa bình Trung Đông, cuộc chiến ở Syria… Tất cả đều chưa thấy có dấu hiệu nào cho thấy mức độ nóng sẽ suy giảm mà ngược lại đang có dấu hiệu tiếp tục tăng nhiệt trong năm 2018.
Những sự kiện và những xu hướng lớn của năm 2017 được cho là sẽ vẫn tiếp tục tác động mạnh tới tình hình thế giới năm 2018
TS. Lê Đình Tĩnh cũng dự báo sẽ không có đột phá về tình hình trên bán đảo Triều Tiên: "Triều Tiên sẽ khó từ bỏ chương trình hạt nhân của họ bởi điều này mang lại lợi thế cho họ rất lớn trên bàn đàm phán. Về phía Mỹ cũng khó chấp nhận thực tế Triều Tiên là một cường quốc về vũ khí hạt nhân vì ít nhất 2 nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất, nếu Mỹ làm như vậy thì Triều Tiên sẽ lấn tới chứ không có chuyện Mỹ xuống thang thì Triều Tiên sẽ xuống thang. Đó là logic trong đàm phán. Còn về chuyện thứ 2 là nếu Mỹ xuống thang sẽ tạo ra bộ mặt yếu cho nước Mỹ và điều này không có lợi trong việc xử lý các vấn đề của thế giới. Trong đó có việc xử lý các quan hệ của các quốc gia đang thách thức vị thế của Mỹ".
"Do vấn đề chưa được giải quyết căn cơ như vậy nên nguy cơ bùng phát căng thẳng vẫn còn đó. Tuy nhiên như chúng ta đã biết, những ngày vừa qua có những diễn biến mang tính chất đối thoại nhiều hơn giữa Hàn Quốc và Triều Tiên khi 2 bên nối lại liên lạc. Cũng có thông tin cho rằng Mỹ đã hoan nghênh động thái này mặc dù có thông tin trước đó cho rằng Tổng thống Donald Trump không hài lòng chấp nhận nối lại liên lạc với Triều Tiên. Ít nhất Mỹ đã tỏ ra phản ứng chính thức ủng hộ việc này cũng như Mỹ - Hàn thống nhất sẽ ngừng các cuộc tập trận từ nay đến Olympic mùa Đông vào tháng 2 tại Hàn Quốc. Cơ hội đàm phán vẫn còn đó nhưng đánh giá tổng thể, các bên không thể điều chỉnh căn bản lập trường trong năm nay nên việc Mỹ thực hiện chính sách cứng rắn với Triều Tiên vẫn còn tiếp tục và các lệnh cấm, trừng phạt của LHQ với Triều Tiên cũng vẫn tiếp tục trừ khi Triều Tiên điều chỉnh lập trường của mình một cách cơ bản" - TS. Lê Đình Tĩnh phân tích.
Bên cạnh vấn đề về tình hình trên bán đảo Triều Tiên, trong chương trình Toàn cảnh thế giới tuần đầu tiên của năm 2018, TS. Lê Đình Tĩnh cũng đã đưa ra những nhận định về tình hình Trung Đông, vai trò của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố hay mối quan hệ giữa các nước lớn trong năm 2018 và ảnh hướng đối với khu vực ASEAN…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!