TS Đỗ Sơn Hải tham gia chương trình Toàn cảnh thế giới.
Ngày 1/7 vừa qua, Bộ quốc phòng Mỹ đã chính thức công bố Chiến lược quân sự quốc gia Mỹ năm 2015. Đây là một tài liệu quan trọng tiếp nối Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ được công bố hồi đầu năm nay. Tài liệu còn được gọi là Học thuyết quân sự mới của Mỹ, mang quan điểm của quốc gia này về tình hình an ninh thế giới, đồng thời thể hiện phương hướng hoạt động quân sự của Mỹ vào thời gian tới.
Mỹ là quốc gia mạnh nhất trên thế giới, có những lợi thế về công nghệ, năng lượng, quan hệ đồng minh, đối tác và dân số. Tuy nhiên, những lợi thế này đang bị thách thức. Đó là nhận định quan trọng về môi trường quân sự được đưa ra trong bản cáo Chiến lược quân sự của Mỹ năm 2015. Ngay trong phần đầu bản cáo của Mỹ năm nay, nội dung đã nhấn mạnh tới đối tượng quốc gia thù địch như mối đe dọa hàng đầu tới lợi ích an ninh quốc gia, gồm những chủ thể như Nga, Trung Quốc, Iran, Triều Tiên. Bên cạnh đó, mối đe dọa được đề cập tới còn có mạng lưới xuyên khu vực của các tổ chức phi nhà nước như Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Taliban.
Theo Mỹ, tất cả các quốc gia, tổ chức này đều đang vận dụng sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ để gây ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ. Vì thế, nước Mỹ sẽ phải đương đầu với những chiến dịch kéo dài mà không phải những cuộc xung đột được giải quyết nhanh chóng. Bản báo cáo chiến lược mới cũng đề cập đến mối đe dọa trực tiếp với Mỹ là Iran và Triều Tiên - những quốc gia có khả năng chế tạo tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân.
TS Đỗ Sơn Hải - Trưởng khoa Chính trị quốc tế, Học viện Ngoại giao.
TS Đỗ Sơn Hải – Trưởng khoa Chính trị quốc tế thuộc Học viện Ngoại giao nhận định: “Bản báo cáo này vẽ ra bối cảnh qua tính toán của Lầu Năm Góc, khiến chúng ta thấy tình hình khá bất ổn và ảm đạm. Nội dung được đề cập một cách căng thẳng, cứng rắn hơn. Nhưng chúng ta vẫn thấy thiếu hai vấn đề lớn mà nước Mỹ đang rất quan tâm, đó là biến đổi khí hậu và “chiến tranh” mạng. Mặc dù vậy, bản báo cáo cũng đã thể hiện điểm mới trong tính toán chiến lược của Mỹ. Có thể thấy, báo cáo lần đầu tiên đề cập cụ thể tới Nga và Trung Quốc. Chẳng hạn, Nga được nhắc tới trong vấn đề về Uk raine, Trung Quốc được nhắc đến trong vấn đề về châu Á – Thái Bình Dương”.
Theo TS Đỗ Sơn Hải, nội dung bản Báo cáo Chiến lược quân sự quốc gia Mỹ năm 2015 vẫn nhắc tới vị trí quan trọng của lực lượng quân sự Mỹ, nhưng được nhấn mạnh hơn trong mối quan hệ với các nước đồng minh. Bên cạnh tính minh bạch, ông cho rằng, bản báo cáo còn có điểm mới là mang tính chính trị cao.
Tuy nhiên, thời gian qua, nước Mỹ lại tập trung thực hiện các chính sách mềm trong quan hệ ngoại giao như đẩy mạnh quan hệ với Cuba và các nước Mỹ Latin, thúc đẩy quá trình đàm phán hạt nhân với Iran.
Nhắc tới mối liên hệ giữa chính sách này với báo cáo chiến lược quân sự mới của Mỹ, ông Đỗ Sơn Hải cho rằng: “Việc kết hợp giữa chính sách cứng (biện pháp quân sự) với chính sách mềm (hoạt động ngoại giao) là việc làm đương nhiên. Bởi hiện tại, nước Mỹ không còn giữ vị thế độc tôn, không còn là siêu cường có thể tự mình giải quyết mọi việc, nguồn lực trở nên hạn chế hơn. Ngay cả với những đối thủ như Nga và Trung Quốc, nước Mỹ vẫn cần đến sự trợ giúp, hợp tác của họ. Nhất là trong tình hình thế giới phẳng, mọi thứ đều cần đến sự hỗ trợ, chia sẻ cùng nhau và cùng đối mặt với những nguy cơ khác như biến đổi khí hậu”.
Ngoài ra, sự vận động trong chiến lược quân sự của một siêu cường cũng có tác động toàn cầu và ảnh hưởng nhiều tới các quốc gia nhỏ.
Mời quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ nhận định của TS Đỗ Sơn Hải về Chiến lược quân sự quốc gia Mỹ 2015 qua video dưới đây:
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.