Thảm đỏ tại Nhà Trắng
Một bữa tiệc chiêu đãi long trọng cấp nhà nước. Tất cả muốn gửi đi thông điệp rằng mối quan hệ Mỹ - Ấn Độ đang bền chặt hơn bao giờ hết. Và Ấn Độ sẽ là nhân tố quan trọng ở châu Á trong nhiều thập kỷ tới đây.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi: "Hôm nay là một ngày quan trọng đặc biệt trong lịch sử quan hệ Ấn Độ - Mỹ. Các cuộc thảo luận và những quyết định quan trọng mà chúng ta đưa ra đã thêm một chương mới vào quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu hai nước".
Tuyên bố chung gồm 58 điểm đã được hai nhà lãnh đạo công bố. Công nghệ và quốc phòng được coi là 2 trụ cột chính giúp định hình quan hệ Mỹ - Ấn Độ trong thế kỷ 21. Hàng loạt sáng kiến về công nghệ quan trọng và mới nổi (ICET) được triển khai như hợp tác không gian, khoa học vũ trụ. Hợp tác quốc phòng như sản xuất động cơ phản lực, mua bán máy bay đang tạo đột phá trong quan hệ hai nước. Hai bên còn tăng cường hợp tác về chuyển đổi năng lượng sạch và các công nghệ mới nổi.
Tổng thống Mỹ Joe Biden: "Ấn Độ và Mỹ đang hợp tác một cách toàn diện. Từ việc tìm phương pháp chẩn đoán và điều trị các bệnh ung thư đến hợp tác đưa con người vào vũ trụ, trong đó có việc đưa một phi hành gia Ấn Độ lên Trạm vũ trụ quốc tế vào năm 2024 và cả cách thức để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu, giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu".
Mỹ tổ chức tiệc chiêu đãi long trọng cấp Nhà nước đối với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
Dù không phải đồng minh, Mỹ coi Ấn Độ là nhân tố quan trọng trong triển khai chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hai bên cam kết tiếp tục hợp tác thông qua các cơ chế song phương và đa phương để giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu, nổi lên là cuộc xung đột Nga - Ukraine, vấn đề Afghanistan, tranh chấp ở Biển Đông hay cuộc chiến chống khủng bố.
Mối quan hệ nồng ấm giữa Mỹ và Ấn Độ trong suốt hai thập kỷ qua đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh và hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu. Xu hướng này dự báo sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Thế nhưng, mối quan hệ bền chặt Mỹ - Ấn Độ cũng có nguy cơ làm gia tăng cạnh tranh giữa nước lớn vốn đang rất phức tạp tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ấn Độ - đối tác then chốt và quan trọng của Mỹ
Những món quà mà Mỹ trao cho Ấn Độ trong chuyến thăm này, định hình New Dehli là "đối tác then chốt và quan trọng, với Washington, không chỉ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà còn trên toàn cầu". Đây là tuyên bố của người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby. Không chỉ vậy, giới chức ngoại giao Mỹ từ cấp cao nhất đều khẳng định mối quan hệ Mỹ - Ấn Độ rõ ràng là "một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới hiện nay".
Tờ Wall Street Journal nhận định chuyến thăm này của ông Modi đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ song phương giữa hai nước, với quốc phòng và công nghệ cao là điểm nhấn.
Thời báo Ấn Độ đã liệt kê 10 lĩnh vực hợp tác sau chuyến thăm của Thủ tướng Modi. Với một loạt thỏa thuận và thông báo lớn, chuyến thăm lịch sử của Thủ tướng Narendra Modi tới Mỹ đã mang lại kết quả tốt đẹp cho cả hai quốc gia đang tìm cách đưa mối quan hệ của họ lên một tầm cao mới.
CNN nhận định, Ấn Độ là một trụ cột trong chiến lược của ông Biden ở châu Á. Theo quan điểm của ông Biden, không có thách thức toàn cầu lớn nào từ biến đổi khí hậu đến những tiến bộ trong công nghệ, có thể được giải quyết nếu không có sự ủng hộ của Ấn Độ. Và trong thời đại căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, có rất ít đối tác mà ông Biden mong muốn vun đắp như Ấn Độ.
Bài viết trên trang Bloomberg đánh giá chuyến thăm của Thủ tướng Modi vào thời điểm không thể tốt hơn. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Ấn Độ đang phát triển, chứng khoán ở mức cao kỷ lục và thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh chóng. Những điều kiện đó đã làm cho công việc của Thủ tướng Modi trở nên dễ dàng hơn khi giới thiệu quốc gia sôi động của mình - cho các giám đốc điều hành và nhà đầu tư có ảnh hưởng nhất của Mỹ.
Trang Chính sách ngoại giao thì cho rằng Ấn Độ và Mỹ đã tạm gác lại những ý thức hệ khác biệt để hợp tác vì lợi ích chung.
Ba lợi ích cốt lõi khi thúc đẩy quan hệ Mỹ - Ấn Độ
Thứ nhất, Ấn Độ đang phát triển mạnh mẽ như một nền dân chủ tự do, sôi động và điều đó quan trọng vì những tác động của Ấn Độ như một quốc gia được Mỹ coi là thành công về dân chủ đối với trật tự toàn cầu.
Thứ hai, thế giới chứng kiến sức mạnh của Ấn Độ tăng lên và kết quả của sự tăng cường sức mạnh đó là mối quan hệ sâu sắc hơn trong quan hệ Mỹ - Ấn Độ. Điều này dẫn đến việc củng cố trật tự đa cực ở châu Á, một vấn đề mà Mỹ coi là rất quan trọng đối với chiến lược của họ, đặc biệt đối với Trung Quốc.
Ấn Độ đang khẳng định vị thế và tầm quan trọng trong bàn cờ chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Thứ ba, mối quan hệ kinh tế sâu rộng và toàn diện của Ấn Độ sẽ tạo động lực cho sự phát triển thịnh vượng đối với Mỹ. Nhìn một cách tổng thể, lợi ích của Ấn Độ nằm ở việc vươn lên thành một cường quốc theo đúng nghĩa và nước này coi Mỹ là đối tác quan trọng. Những giao thoa về lợi ích giữa Mỹ và Ấn Độ hiện nay sẽ mang lại cơ hội cho hai bên hợp tác hiệu quả trong những năm tới.
Ấn Độ đang khẳng định vị thế và tầm quan trọng trong bàn cờ chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và là đối tác không thể bỏ qua của nhiều nước, trong đó có Mỹ. Các thời Tổng thống Mỹ trước đó và giờ là Tổng thống Joe Biden đều xác định vai trò trọng yếu của Ấn Độ trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo đó, Mỹ đã triển khai nhất quán các chính sách nhằm thúc đẩy quan hệ toàn diện với Ấn Độ từ chính trị, ngoại giao, kinh tế rồi hợp tác với công nghệ, quân sự, quốc phòng…
Mỹ cũng khuyến khích Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn ở khu vực, quốc tế cũng như trong các thể chế đa phương do Mỹ dẫn dắt. Đặc biệt là vai trò dẫn dắt khu vực Nam Á của Ấn Độ trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Về chiến lược, hợp tác với Ấn Độ cùng với Nhật Bản, Australia sẽ tạo thành tam giác chiến lược về an ninh, giúp Mỹ có thể bao quát hầu hết khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chính vì vậy, Mỹ luôn xếp Ấn Độ vào nhóm đối tác hàng đầu cần làm sâu sắc quan hệ.
Ấn Độ không là đồng minh của Mỹ
Khi Ấn Độ được trao cho những công nghệ then chốt của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ và quốc phòng, vai trò của Ấn Độ sẽ tăng lên như một nhân tố chốt chặn trong quỹ đạo của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Và điều này gửi đi những thông điệp rõ ràng tới các nước trong khu vực. Với lĩnh vực công nghệ, Mỹ quan tâm đến việc xây dựng Ấn Độ như một giải pháp thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng, để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Một Ấn Độ mạnh lên cũng sẽ tạo thế cân bằng trong cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương. Nhưng mặc dù có những điểm đồng trong lợi ích, thì quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ không và sẽ không bao giờ là mối quan hệ hợp tác không giới hạn. Ấn Độ sẽ không bao giờ là đồng minh mà người Mỹ đã tìm thấy trong quan hệ với nước Anh, Australia, hay Canada. Những mối quan tâm chung, những mục tiêu chung đưa hai nước tới với nhau, nhưng có những giới hạn mà New Dehli không muốn bước qua trong quan hệ với Mỹ.
Trước chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết, Mỹ sẽ loại bỏ các rào cản thương mại với Ấn Độ trong những lĩnh vực quan trọng như quốc phòng và công nghệ cao. "Một số kết quả chuyến thăm không chỉ là những gạch đầu dòng trên giấy. Về cơ bản, chúng được đưa ra để loại bỏ các rào cản trong thương mại quốc phòng, công nghệ cao, trong đầu tư vào mỗi quốc gia. Những rào cản đó đang kìm hãm các nhà khoa học và nhà nghiên cứu của chúng ta".
Với động thái này, Washington coi New Delhi là đồng minh, chứ không phải là đối tác thông thường, và Ấn Độ đang có quyền tiếp cận các công nghệ vũ khí hàng đầu của Mỹ mà chỉ có các đồng minh chiến lược mới được chuyển giao.
Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực xích lại gần của Mỹ, Ấn Độ vẫn giữ một khoảng cách nhất định để không là một đồng minh thân cận của Washington.
Nhìn về lịch sử, năm 1949, Mỹ trải thảm đỏ đón Thủ tướng Ấn Độ bấy giờ là Jawaharlal Nehru lần đầu tiên đến Washington D.C. Washington mong muốn New Delhi đứng về phía mình trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với Liên Xô. Thế nhưng, ông Nehru đã từ chối.
Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru: "Bằng cách liên kết với bất kỳ một cường quốc nào, bạn từ bỏ ý kiến của mình, từ bỏ chính sách mà bạn thường theo đuổi vì người khác muốn bạn theo đuổi một chính sách khác".
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đường lối đối ngoại độc lập của Ấn Độ vẫn được các thủ tướng đương thời duy trì. Năm 1998, cựu Thủ tướng Atal Bihari Vajpayee tuyên bố Ấn Độ và Hoa Kỳ là "đồng minh tự nhiên". Tuy nhiên, đây chỉ là một thuật ngữ ngoại giao hơn chứ không phải là chính sách đối ngoại.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, người có 10 năm cầm quyền từ năm 2004, đã cải thiện đáng kể Ấn Độ - Mỹ. Ông đã theo đuổi thỏa thuận hạt nhân dân sự với Washington và mở ra hợp tác mới về công nghệ cao, quốc phòng và năng lượng sạch. Nhưng chính phủ của ông cũng bảo vệ nguyên tắc "tự chủ chiến lược" của mình như một lằn ranh đỏ cho chính sách đối ngoại ngay cả khi họ xích lại gần Washington.
Cách tiếp cận của Thủ tướng Modi đối với Mỹ vẫn phù hợp với lịch sử chính sách đối ngoại độc lập của đất nước.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh: "Ấn Độ là một quốc gia quá lớn để bị đóng hộp vào bất kỳ liên minh hoặc thỏa thuận khu vực hoặc tiểu khu vực nào, cho dù là thương mại, kinh tế hay chính trị".
Đến giai đoạn hiện nay của chính quyền Thủ tướng Modi, cách tiếp cận của ông đối với Mỹ vẫn phù hợp với lịch sử chính sách đối ngoại độc lập của đất nước.
Với lịch sử này, dễ dàng nhận thấy rằng động lực trong mối quan hệ Mỹ - Ấn không nhất thiết ngụ ý một con đường dẫn đến một liên minh chính thức hoặc hiệp ước phòng thủ chung. Tại Mỹ, hợp tác tích cực mặc định coi là "đồng minh". Nhưng đối với Ấn Độ ngay cả khi sự hợp tác trở nên rộng lớn bao giờ hết, những khác biệt là vẫn còn.
Trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang thay đổi mạnh mẽ về cán cân chiến lược, Mỹ đang phải nỗ lực duy trì vị thế hàng đầu trước sự vươn lên của Trung Quốc, thì Ấn Độ và Mỹ đã tìm thấy nhiều điểm đồng về lợi ích để làm sâu sắc hơn quan hệ song phương. Dù sao với nước Mỹ, việc kéo người chơi quan trọng và có ảnh hưởng như Ấn Độ gần hơn với mình là điều tối quan trọng. Dù có những khác biệt, dù những lựa chọn của Ấn Độ trong quan hệ với Nga, với nhóm BRICS hay trong vấn đề Ukraine có thể khiến Washington bất đồng, thì đó cũng không phải là rào cản không thể vượt qua.
Ấn Độ là một nước lớn đang ngày càng nâng tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực và ở phạm vi toàn cầu. Thực tế, họ đã quản lý rất khéo léo các mối quan hệ giữa các quốc gia đối địch nhau, như Nga và Mỹ, như Israel và Palestine hay Iran và Saudi Arabia. Từ những gì đã có và sẽ có với Mỹ, New Dehli đã chứng minh rằng, chiến lược đối ngoại "đa liên kết" này mang lại hiệu quả. Thời của thế giới đơn cực đã qua. Chính sách đối ngoại đa liên kết đang được nhiều quốc gia theo đuổi. Và trong bối cảnh mối quan hệ của Mỹ và Ấn Độ, việc làm sâu sắc quan hệ đối tác mà vẫn chấp nhận khác biệt trong chính sách đối ngoại của nhau cần trở thành điều bình thường mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!