"Mỹ không thể xem nhẹ hoặc xóa bỏ NATO"

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 11/12/2016 11:55 GMT+7

VTV.vn - Giáo sư Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn chia sẻ trong chương trình Toàn cảnh thế giới ngày 11/12 về quan hệ giữa Mỹ và NATO.

Tại Hội nghị Ngoại trưởng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra ở Brussels (Bỉ) tuần qua, chưa bao giờ lời kêu gọi thắt chặt quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và khối quân sự này lại được đưa ra khẩn thiết đến thế. Các quan chức Mỹ, EU và NATO đều nhất loạt nhấn mạnh tới tầm quan trọng của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương này.

Hơn 40 gói giải pháp trên 7 lĩnh vực hợp tác đã được các Ngoại trưởng NATO thông qua tại Hội nghị cho thấy mức độ nhất trí cao của các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy hợp tác EU - NATO. Tuy vậy, những kết quả đó khó có thể xua tan được lo ngại về tương lai và vai trò của tổ chức quân sự lớn nhất thế giới trong bối cảnh nước Mỹ - quốc gia đứng đầu NATO - sắp có một vị Tổng thống mới không mấy mặn mà với vai trò bảo trợ an ninh cho những quốc gia đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương.

Trong khi đó, vị Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có một quan điểm khá tích cực trong quan hệ với nhà lãnh đạo Nga V.Putin, mở ra cơ hội cho việc cải thiện quan hệ giữa Washington và Moscow. Điều này cũng khiến các quốc gia đồng minh châu Âu e ngại và buộc phải đề ra chiến lược xây dựng một nền quốc phòng riêng, tự chủ hơn với NATO.

Chỉ trong 1 tháng qua, kể từ khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đưa nhà tỉ phú Donald Trump vào Nhà Trắng, chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama đã phải nhiều lần lên tiếng trấn an các đồng minh châu Âu. Trong tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry một lần nữa tận dụng chuyến công du cuối cùng của mình tới châu Âu tham dự Hội nghị Ngoại trưởng NATO tại Brussels để đưa ra những cam kết của Washington đối với tổ chức quân sự lớn nhất thế giới. Đây là cuộc họp đầu tiên của NATO kể từ khi ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ với nhiều tuyên bố về vai trò của nước Mỹ trong Liên minh quân sự NATO - những tuyên bố làm cho các đồng minh châu Âu lúng túng và đặt ra câu hỏi về tương lai của NATO.

Nhận định về tương lai của NATO, Giáo sư Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn - nói: "Mối quan hệ giữa NATO và EU là một mối quan hệ rất đặc biệt, rất khăng khít, đảm bảo cho vị trí lãnh đạo số 1 của Mỹ trên phạm vi toàn cầu trong suốt gần 7 thập kỷ qua. Do vậy, Mỹ không thể nào xem nhẹ hoặc xóa bỏ tổ chức này. Tôi cho rằng, trong thời gian tới, NATO sẽ có sự điều chỉnh, sẽ tập trung hơn vào một số vấn đề có tính chất trọng tâm, trọng điểm".

"Nếu mối quan hệ Nga - Mỹ trở nên nồng ấm, mối quan hệ giữa NATO và Nga có nguy cơ tạo ra một tình trạng giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tạo ra sự phân vùng ảnh hưởng giữa Mỹ và Nga tại châu Âu. Như vậy, EU phải tăng cường hơn nữa năng lực của mình nhưng quan trọng hơn tôi nghĩ rằng phải tạo ra được mối quan hệ tốt với cả Nga và NATO. Đó là chiến lược mà EU chắc chắn phải thực hiện được trong thời gian tới.

Trong tương lai, NATO cũng sẽ tiếp tục phải hợp tác với nhiều tổ chức hơn nữa để đảm bảo ngăn chặn các cuộc xung đột quân sự và thiết lập một nền hòa bình bền vững cho toàn thế giới" - Giáo sư Phạm Quanh Minh phân tích thêm.

Để lắng nghe chi tiết hơn những phân tích, bình luận của Giáo sự Phạm Quang Minh về những thách thức thống nhất của khối NATO, mời quý vị cùng theo dõi trong chương trình Toàn cảnh thế giới qua video dưới đây:

Tổng thống Mỹ đắc cử điện đàm về duy trì khối đồng minh NATO Tổng thống Mỹ đắc cử điện đàm về duy trì khối đồng minh NATO

VTV.vn - Ngày 18/11, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã có cuộc điện đàm với lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước