Ngày 21/11/2004 tại quảng trường Maidan, Ukraine đã chứng kiến một sự kiện được phương Tây gọi là cuộc Cách mạng Cam, bắt đầu đẩy đất nước này vào một thời kỳ bất ổn, hỗn loạn và kinh tế kiệt quệ.
10 năm sau, tháng 2/2014, cũng trên quảng trường nổi tiếng này, một cuộc biểu tình đã dẫn tới sự ra đi của Tổng thống Viktor Yanukovich. Sự kiện xảy ra ngay sau khi ông quyết định hoãn đàm phán về các thỏa thuận chính trị và thương mại với Liên minh châu Âu - EU, đồng thời thắt chặt mối quan hệ với Nga. Cuộc biểu tình đã làm lệch đi sự cân bằng mong manh trong mối quan hệ tay ba giữa Ukraine, Nga và phương Tây.
Độ phức tạp của cuộc “Cách mạng Cam phiên bản 2.0” đã tăng thêm một mức mới khi nó trở thành nguyên nhân cho một sự đối đầu gay gắt giữa một bên là Nga và bên kia là Mỹ cùng EU trong cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng đối với Ukraine. Thành phố Kiev bị rơi vào tình thế giằng co quyết liệt giữa hướng Đông và hướng Tây. Từ đây, một vòng xoáy bất ổn mới tiếp tục cuốn Ukraine chìm sâu vào khủng hoảng.
Đỉnh điểm của sự giằng co này là sự kiện bán đảo Crimea, một vùng đất có vị trí quan trọng tại cửa ngõ của Biển Đen tuyên bố độc lập và chính thức sáp nhập vào Nga ngày 21/3. Ngay sau đó, tình hình cuộc khủng hoảng tại Ukraine ngày càng trở nên xấu đi khi phong trào đòi ly khai tại miền Đông Ukraine bùng phát như một phản ứng dây chuyền sau sự kiện Crimea.
Thiếu tướng - Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược - Bộ Công an
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an, nhìn vào quá trình diễn biến của cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu từ cuộc biểu tình lật đổ Tổng thống Yanukovich, có bốn sự kiện quan trọng đẩy cuộc khủng hoảng này rơi vào trạng thái ở hiện tại.
Một là việc Tổng thống Yanukovich tuyên bố tạm thời ngừng liên kết hợp tác với châu Âu. Hai là dấu mốc 20/2/2014 khi Ukraine rơi vào trạng thái không thể kiểm soát. Ba là Quốc hội Ukraine họp phế truất Tổng thống Yanukovich. Như giọt nước tràn ly, khi Tổng thống Putin tuyên bố quyết định sát nhập bán đảo Crimea vào Nga chính là khởi nguồn khiến cuộc khủng hoảng rơi vào bế tắc.
Như vậy, 10 năm sau cuộc Cách mạng Cam, Ukraine không những chìm sâu vào khủng hoảng, mà còn trở thành trận địa của một cuộc đối đầu quyết liệt giữa Nga và Phương Tây trong việc giành được sự ảnh hưởng đối với quốc gia này. Cuộc đối đầu đã khiến cả Nga và phương Tây thiệt hại, đồng thời đẩy thế giới đứng trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh lạnh mới.
Chia sẻ trong chương trình Toàn cảnh thế giới, ông Lê Văn Cương khẳng định dù cuộc khủng hoảng giữa Nga - Mỹ đã tới bờ vực của một cuộc chiến tranh lạnh mới, nhưng nó sẽ không thể tiến thêm một bước.
“Dẫu quan hệ Nga - Mỹ đến thời điểm này là căng thẳng nhất kể từ năm 1991, nhưng bản thân hai nước Nga và Mỹ cũng có giới hạn mà họ không thể vượt qua. Có thể, Nga và Mỹ còn căng thẳng vào năm 2015, nhưng tôi cho rằng vào cuối năm 2015, quan hệ hai bên sẽ ấm lên chút ít”, ông Lê Văn Cương cho biết.
Quan hệ Nga - Mỹ sẽ đi tới đâu? Hiện trạng Crimea - nút thắt trong vấn đề khủng hoảng tại Ukraine hiện giờ ra sao? Để tìm hiểu những vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi video dưới đây:
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.