Sau 2 năm, khủng hoảng di cư vẫn gây hậu quả nặng nề

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 02/07/2017 16:44 GMT+7

VTV.vn - Sau hai năm kể từ khi bắt đầu, cuộc khủng hoảng di cư tại khu vực châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện.

Khủng hoảng di cư là cụm từ đã được nhắc tới từ năm 2015 khi hơn 1 triệu người di cư tràn vào châu Âu, đi cùng với thảm họa nhân đạo được coi là tồi tệ nhất từ sau chiến tranh thế giới lần thứ II. Đến năm 2017, LHQ vẫn khẳng định thế giới đang chứng kiến những luồng di cư lớn chưa từng có, với con số kỷ lục hơn 65,6 triệu người chạy khỏi những khu vực chiến tranh và khủng hoảng. Làn sóng di cư mạnh mẽ này đang tiếp tục để lại những tấm bi kịch trên con đường di cư và trong các trại tị nạn, gây nên tác động về an ninh, kinh tế và xã hội cho các nước phát triển, nhất là tại châu Âu.

Theo GS. Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng trường ĐH KHXH và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cuộc khủng hoảng di cư hiện nay là kết quả của một quá trình kéo dài và bắt nguồn từ cách đây 2 - 3 năm.

"Năm 2017 là cao trào và kết cục của một quá trình tích tụ lâu dài và làm cho tình hình trở lên cực kỳ căng thẳng buộc Liên Hợp Quốc phải đưa ra những lời công bố", GS Phạm Quang Minh nói.

"Nhìn lại trong lịch sử, loài người đã trải qua rất nhiều cuộc di cư. Cuộc di cư sớm nhất trong lịch sử loài người cách đây hơn 70.000 năm... Điểm chung của những cuowlà do vấn đề liên quan tới chiến tranh, xung đột, đói nghèo, bệnh tật là những lý do cơ bản dẫn đến các cuộc di cư trong lịch sử. Điểm khác là trong thời gian 2016 – 2017, mức độ, quy mô và tốc độ của cuộc di cư diễn ra rất nhanh...", GS. Phạm Quang Minh cho biết.

Từ đầu năm 2017 tới nay, thống kê của Tổ chức Di cư quốc tế cho thấy đã có 77.000 người di cư tìm đường tới châu Âu. Tính tới ngày 14/6, hơn 1.800 người đã mất tích trên những tuyến đường tử thần trên biển. Rõ ràng, sau hai năm kể từ khi cuộc khủng hoảng di cư bắt đầu, tình hình vẫn không được cải thiện.

Chia sẻ chính sách về nhập cư và di cư của châu Âu, phóng viên Hồng Quang – Thường trú của Đài THVN tại đây cho biết: "Trên thực tế, các nước Tây Âu vẫn luôn sẵn sàng tiếp nhận và cho phép định cư đối với những người tị nạn đích thực, tức là những người nếu ở trong nước của họ sẽ gặp nguy hiểm do chiến tranh hay bị truy bức, bỏ tù vì thể hiện quan điểm chính trị, tôn giáo hoặc buộc phải rời khỏi quê hương. Những người có đủ điều kiện tị nạn khi tới đây được nhận trợ cấp hàng tháng, được học tiếng và học nghề miễn phí, có điều kiện thuận lợi để có việc làm, nhà ở và định cư lâu dài. Châu Âu vẫn tiếp tục đón nhận người tị nạn do truyền thống nhân ái Công giáo và họ cũng cần nhân lực để phát triển kinh tế".

"Hiện nay, chính sách chung của châu Âu về nhập cư và hạn chế nhập cư trái phép có kết quả khá khả quan, ví dụ trong nửa đầu năm 2016, có tới hơn 200.000 người nhập cư trái phép nhưng đến nửa đầu năm 2017 chỉ giảm còn hơn 80.000 người. Nhưng lượng người từchâu Phi vượt Địa Trung Hải vào Italia vẫn tăng. Đây là cửa ngõ đường biển vào châu Âu. Lúc này, Liên minh châu Âu cũng chỉ có thể hỗ trợ bằng cách cấp thêm tiền cho Italia".

"Vấn đề của châu Âu là vẫn chưa có cách nào hợp tác hữu hiệu với các nước châu Phi – nơi có người ra đi, đồng thời cũng chưa giải quyết được mâu thuẫn nội bộ giữa các quốc gia Đông Âu và Tây Âu do các nước Đông Âu không có cùng quan điểm về trách nhiệm đối với người nhập cư. Do đó, các quốc gia này không chịu chia sẻ gánh nặng với các nước Tây Âu".

Đồng quan điểm này, GS. Phạm Quang Minh khẳng định: "Lời kêu gọi vẫn sẽ chỉ là lời kêu gọi. Điều quan trọng ở đây là nhận thức và hành động của lãnh đạo các quốc gia, bởi ngay trong Liên minh châu Âu, Đức là quốc gia đi đầu trong việc có cách hành xử tốt, nhân đạo với người di cư nhưng một số quốc gia khác thì không".

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước