Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh NATO đầu tiên phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 20/12/2020 10:27 GMT+7

VTV.vn - Đầu tuần này, chính quyền của Tổng thống Donald Trump áp đặt lệnh cấm vận lên Thổ Nhĩ Kỳ, lý do được cho là Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Washington cho rằng, hệ thống này không tương thích với các trang bị của NATO và là mối đe dọa tiềm năng đối với an ninh của khối đồng minh.

Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đồng minh NATO đầu tiên phải đối mặt với các lệnh trừng phạt theo một điều luật gọi là Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA) và là quốc gia thứ hai sau Trung Quốc bị Mỹ áp lệnh trừng phạt vì mua S-400.

Lệnh trừng phạt của Washington cùng với những biện pháp trừng phạt khác của EU áp đặt lên Thổ Nhĩ Kỳ mới đây sẽ tác động như thế nào tới mối quan hệ được coi là đồng minh thân cận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác Phương Tây. Giữa lúc cả Mỹ và EU đều cần đến sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong các điểm nóng mà họ có liên quan, như tình hình Syria, vấn đề người di cư, việc áp các lệnh trừng phạt sẽ gây hậu quả khó lường.

Ankara phản ứng mạnh mẽ trước đòn trừng phạt từ Mỹ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói: "Kể từ năm 2017, đạo luật Chống các đối thủ của Mỹ không được áp dụng lên bất kỳ quốc gia nào ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, nó đang được áp dụng lần đầu tiên đối với quốc gia của chúng tôi, một thành viên NATO. Đây là loại liên minh gì? Đây là loại quan hệ đối tác nào? Quyết định này là một đòn tấn công thù địch công khai chống lại quyền chủ quyền của đất nước chúng tôi".

Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh NATO đầu tiên phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU - Ảnh 1.

Hệ thống phòng không S-400 khi được đưa đến sân bay ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters

Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga vào giữa năm 2019 và nói rằng chúng không đặt ra mối đe dọa cho các đồng minh NATO. Tuy nhiên, từ lâu Washington đã dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Năm ngoái, Washington đã loại Ankara ra khỏi một chương trình tiêm kích F-35.

Hiện không rõ lệnh trừng phạt sẽ có tác động gì lên các quốc gia thứ ba, chẳng hạn các nước châu Âu cung cấp vũ khí và linh kiện cũng như hợp tác với các công ty quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, căng thẳng trong quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ lại leo thang sau khi lãnh đạo các nước EU nhất trí trừng phạt các cá nhân Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới các hoạt động khoan thăm dò của Ankara ở khu vực Đông Địa Trung Hải.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu rõ các biện pháp trừng phạt của EU cho thấy Brussels không còn chấp nhận những hành động gây bất ổn trong quỹ đạo của mình. "Châu Âu thực sự đã chứng tỏ khả năng thể hiện sự cứng rắn đối với Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm chấm dứt các hành động đơn phương của họ ở Đông Địa Trung Hải. Tháng 10 vừa qua, chúng tôi đã cho Thổ Nhĩ Kỳ một cơ hội, nhưng cái chúng tôi nhận được là Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục các hành động khiêu khích của mình".

Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối động thái mà nước này cho là "không công bằng" và "bất hợp pháp" của EU.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ cử một tàu thăm dò và nhiều tàu hải quân đến vùng biển tranh chấp với Hy Lạp ở Đông Địa Trung Hải đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Hy Lạp cũng như các nước EU. Các nước Pháp, Hy Lạp và CH Cyprus đã liên tục kêu gọi EU có biện pháp mạnh hơn đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, nhiều nước khác lại có cách tiếp cận mềm mỏng hơn do lo ngại căng thẳng gia tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thỏa thuận nhằm ngăn chặn dòng người di cư qua Thổ Nhĩ Kỳ vượt Địa Trung Hải đổ về châu Âu. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, là một ứng cử viên muốn gia nhập EU. Bất đồng mới nảy sinh sẽ càng gây khó khăn hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ trong tiến trình đàm phán về gia nhập "ngôi nhà chung châu Âu".

Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh NATO đầu tiên phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU - Ảnh 2.

Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga. Ảnh: TASS

Các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể ảnh hưởng tới 40% giá trị ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ

Không quân và các hệ thống trên bộ là những lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng nhất. Với không quân, đó là ảnh hưởng về việc bảo trì, hiện đại hóa các máy bay chiến đấu F16, dự án máy bay TF-X. Với các hệ thống trên bộ, các lệnh trừng phạt sẽ làm suy giảm hiệu quả hoạt động các radar, hệ thống điều hành chỉ huy… Ngoài ra, các lệnh trừng phạt cũng có thể ảnh hưởng đến việc xuất khẩu quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ tới các nước khác.

Theo các chuyên gia, hiện ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu từ Mỹ. Thống kê năm 2019 cho thấy, Ankara nhập khẩu 1,4 tỷ USD các mặt hàng quốc phòng từ Washington, chiếm tới 45% tổng kim ngạch nhập khẩu quốc phòng nước này. Trong số này, có 648 triệu USD là dành cho lĩnh vực không quân, 564 triệu USD cho hàng không dân dụng và 107 triệu USD danh cho các hệ thống trên bộ.

Lệnh trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ mang thông điệp gì?

Tiến sĩ Kristian Alexander - Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Trends Trung Đông: Trước thời Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu hướng về liên minh châu Âu. Nhưng kể từ lên nắm quyền, các chính sách của Tổng thống Erdogan chuyển hướng tập trung mở rộng tầm ảnh hưởng tại Trung Đông. Ông Erdogan cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã có được một số lợi ích nhất định từ Liên minh châu Âu… như là rất nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ đã có thể chuyển sang làm ăn sinh sống tại Liên minh châu Âu. Không nhất thiết phải trở thành một thành viên đầy đủ của Liên minh châu Âu nữa. Thay vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại Libya, tăng cường sự hiện diện tại Syria, hay là các căn cứ quân sự tại Qatar.

Trong chiến lược đó, Nga được xem như một quốc gia có thể giúp ích cho Thổ Nhĩ Kỳ, từ việc tăng cường độc lập với Mỹ cho tới đẩy lùi Trung Quốc. Vì vậy Mỹ muốn gửi cho Thổ Nhĩ Kỳ một thông điệp là Washington không hài lòng với các chính sách hiện nay của Ankara. Đó còn là thông điệp Mỹ muốn gửi cho các đồng minh khác của mình tại Trung Đông, như Saudi Arabia hay Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, rằng Mỹ phản đối các bước đi hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ với tham vọng củng cố vị thế

Là một đồng minh của Mỹ và EU, là thành viên lâu năm của NATO nhưng nhu cầu chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ những năm gần đây trở nên khác biệt rất nhiều so với Mỹ và EU. Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây cần nhau trong nhiều phương diện, nhưng việc Ankara mấy năm gần đây xa rời quỹ đạo chiến lược của Mỹ và EU đã khiến mối quan hệ giữa hai bên không ít lần rơi vào căng thẳng.

Thổ Nhĩ Kỳ - một trong những tâm điểm của nhiều hội nghị châu Âu thời gian qua. Từ vấn đề nhập cư, kế hoạch thăm dò dầu khí trên Biển Địa Trung Hải đến can dự quân sự tại khu vực xung đột Nagarno-Karabakh. Từ góc nhìn bên ngoài, Thổ Nhĩ Kỳ đang trỗi dậy trở lại. Còn với Ankara, nước này đang gia tăng ảnh hưởng đối với nhiều vấn đề quốc tế nhằm tái khẳng định vị thế.

Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh NATO đầu tiên phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU - Ảnh 3.

S-400 là một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất hiện nay. Nguồn: Al Jazeera

Kỳ vọng cài đặt lại mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ

Trong những năm qua, phương Tây đã phải nỗ lực rất nhiều để giữ sự cân bằng một cách đầy khó khăn với Thổ Nhĩ Kỳ. Giờ đây, các biện pháp cấm vận nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ được xem như giọt nước tràn ly. Nhưng như chúng ta đã biết, nước Mỹ chuẩn bị có một chính quyền mới. Liệu có cơ hội nào cho việc cài đặt lại mối quan hệ. Các trang báo cả ở Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã đưa ra nhiều nhận định về chiều hướng mối quan hệ này.

Thổ Nhĩ Kỳ dường như là chủ đề của các cuộc thảo luận sôi nổi trong nhóm chính sách đối ngoại của ông Biden, với hai cách tiếp cận khác nhau.

Đầu tiên là những người muốn hợp tác và hòa giải. Họ coi Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quan trọng và là một quốc gia chủ chốt ở sườn phía nam của NATO mà Mỹ không thể để mất hoặc cho phép rời khỏi khối phòng thủ về phía Nga.

Trong khi đó, những người cứng rắn, chiếm một phần ba nhóm chính sách đối ngoại của ông Biden, mong muốn kích hoạt một gói trừng phạt toàn diện, bao gồm các lĩnh vực kinh tế, an ninh và chính trị.

Nhìn chung, khủng hoảng trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ là rất nhiều và nghiêm trọng đến mức mà các nhà lãnh đạo sẽ thực sự vật lộn để tìm kiếm tiếng nói chung. Đầu tiên, trong vấn đề người Kurd, ông Biden chủ trương đối thoại với lực lượng này, trong khi Ankara từ 40 năm nay coi đây là lực lượng khủng bố.

Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sử dụng việc kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa S400 mua từ Nga như một con bài mặc cả với Mỹ để yêu cầu dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Thứ ba, việc Thổ Nhĩ Kỳ có hợp tác năng lượng với Nga cũng có thể là tác nhân gây ra mâu thuẫn trong quan hệ với Mỹ.

Thứ tư, Nga có khả năng sẽ gây áp lực lên Ankara ở Syria, Libya, Biển Đen, và các vấn đề năng lượng nếu Thổ Nhĩ Kỳ có động thái xích lại gần Washington.

Nhìn chung, Ankara sẽ phải chuẩn bị cho những quyết sách khó khăn để cân bằng giữa Moscow và Washington vào năm tới.

Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy thương mại song phương lên 100 tỷ USD Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy thương mại song phương lên 100 tỷ USD Hàng loạt bất đồng bao phủ cuộc gặp Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ Hàng loạt bất đồng bao phủ cuộc gặp Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thăm Mỹ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thăm Mỹ

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước