Cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử được cả thế giới chờ đợi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un liệu có thể diễn ra? Đây là câu hỏi được giới phân tích quan tâm trong những ngày qua. Nhiều dự đoán đã được đưa ra.
Theo thông tin từ phóng viên thường trú của Đài THVN tại Mỹ, nếu không kể tới những chính trị gia hay lồng ghép lợi ích đảng phái thì phần lớn những nhà quan sát tại Mỹ đều đồng tình với việc chính quyền hủy hội nghị thượng đỉnh lần này. Số đồng tình Hội nghị thưởng đỉnh cũng có nhưng không ít người tỏ thái độ ủng hộ bởi họ cho rằng hội nghị thượng đỉnh dù được tổ chức thì khó có thể thành công. Thứ nhất là do lợi ích quốc gia giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn còn xung khắc, chưa thể thu hẹp trong vấn đề hạt nhân nói riêng và an ninh khu vực nói chung. Hơn nữa, họ dựa trên lịch sử thương thuyết không thành công với Triều Tiên nên nghi ngại toan tính chính trị thực sự của nước này đối với tiến trình phi hạt nhân hóa.
Bình luận về câu chuyện này, TS. Trần Việt Thái – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao cho biết, quyết định của chính quyền ông Donald Trump là điều bất ngờ nhưng khi theo dõi kỹ tiến trình sự việc thì vụ việc sẽ có logic riêng của nó, với nhiều điều thú vị.
"Có 3 lý do để ông Donald Trump đồng ý gặp ông Kim Jong-un. Đầu tiên là vì ông ấy muốn dùng chính cuộc gặp này để ép lại phía Hàn Quốc liên quan tới việc đàm phán lại hiệp định thương mại Mỹ - Hàn. Vừa qua, Hàn Quốc đã phải nhân nhượng khi đàm phán. Đó là thành công của ông Trump khi chủ động liên hệ với Triều Tiên", TS Trần Việt Thái phân tích.
"Một tính toán khác là ông Trump muốn sử dụng cuộc gặp với Triều Tiên làm bàn đạp cho chính mình trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2018. Ông Trump rất tự tin với khả năng mặc cả của mình nên đã cử Ngoại trưởng Mỹ tới Bình Nhưỡng 2 lần để đàm phán. Tuy nhiên, ông Trump đã bỏ qua một nhân tố quan trọng là trong đàm phán ngoại giao, thông thường đàm phán cấp chuyên viên trước để thu hẹp khoảng cách rồi mới đến cấp chính trị. Nhưng vì ông Trump cũng nôn nóng muốn đạt kết quả, trong khi không sử dụng bộ máy của ngoại giao Mỹ nên ông đã sử dụng quan chức cấp chính trị. Vừa qua, có thể phía Triều Tiên đã đàm phán rất "rắn" nên ông Trump chưa đạt được điều mình mong muốn".
"Nguyên nhân thứ 3 là ông Trump đưa ra tuyên bố có tính bất ngờ như thế này như một thủ thuật nhằm tạo sức ép. Qua đây, chúng ta cũng rút ra được bài học là cách chính quyền Mỹ dưới thời ông Trump xử lý các vấn đề quốc tế", TS Trần Việt Thái cho biết.
"Đối với Triều Tiên, đây là cơ hội ngàn năm có một vì chưa bao giờ Triều Tiên tiếp cận được với chính quyền Mỹ ở cấp cao và trực tiếp như hiện nay. Do vậy, họ không bỏ qua cơ hội này, vấn đề là mức độ nhượng bộ và lòng tin của họ đến đâu. Chính điều đó sẽ quyết định tương lai của tiến trình đàm phán".