Theo chỉ đạo, trong vòng 48 giờ tới các địa phương phải lập danh sách được tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam trong 14 ngày qua. Bởi trong vòng từ 10 đến 15 ngày tới là giai đoạn có tính chất quyết định đối với sự thành bại của cuộc chiến phòng chống COVID-19 ở Việt Nam.
Tăng cường các biện pháp phòng chống lây nhiễm SARS-CoV-2, virus gây bệnh COVID-19, từ chiều 23/3, tất cả những người tham dự các cuộc họp của Chính phủ đều được khử khuẩn toàn thân và số người tham dự cũng được hạn chế tối đa và ngồi cách xa 2m để bảo đản an toàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam đã bước vào giai đoạn 3 của cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID-19, giai đoạn sống còn của cả cuộc chiến. Ở thời điểm bắt đầu cuộc họp, Việt Nam đã ghi nhận bệnh nhân thứ 118 mắc COVID-19. Trong đó, 3 bệnh nhân đang ở trong tình trạng rất nặng và 8 bệnh nhân nặng hơn trước. Như vậy, trong giai đoạn 2, của cuộc chiến phòng chống COVID-19 từ 6/3 đến nay, Việt Nam đã có hơn 100 người mắc COVID-19. 75% trong số này đều là từ nước ngoài về Việt Nam và 25% lây nhiễm trong cộng đồng.
Trong mấy ngày cuối tuần qua, dù các hãng hàng không Việt Nam đã ngừng bay và chỉ còn rất ít người nước ngoài nhập cảnh, nhưng mỗi ngày vẫn có từ 2.000 đến 3.000 người Việt Nam từ nước ngoài trở về qua các sân bay. Đa phần trên các chuyến bay này đều có người nhiễm SARS-CoV-2. Vì thế, hiện đang có gần 53.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly y tế. Trên 21.000 người trong số này được cách ly tập trung.
Việc có thêm 2 người mắc COVID-19 được ghi nhận vào đầu giờ chiều 23/3 đều từ Campuchia về nước qua cửa khẩu Mộc Bài ở Tây Ninh, đã cho thấy, việc phòng chống COVID-19 không chỉ còn qua đường hàng không mà còn qua cả đường bộ. Trong khi đó, một số người được cách ly y tế tại nhà đang đe dọa lây nhiễm virus ra cộng đồng, như bệnh nhân số 100 ở TP.HCM trước khi được phát hiện mắc COVID-19 đã đi lễ nhà thờ tới 60 lần.
Cũng trong ngày 22/3, lần đầu tiên Việt Nam đã ghi nhận bác sĩ đầu tiên mắc COVID-19. Thường trực Chính phủ nhận định, trong vòng 2 tuần tới, dịch COVID-19 có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng rất cao và đỉnh điểm của dịch bệnh này có thể sắp xảy ra. Trong khi đó, một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong 3 tháng qua, tất cả các cấp, các ngành cũng như cả hệ thống chính trị đã có rất nhiều cố gắng và hành động quyết liệt, chặt chẽ, nhưng trước nguy cơ dịch COVID-19 có thể lây lan rộng hơn ra cộng đồng trong 10-15 ngày tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện ngay các biện pháp cấp bách để phòng chống dịch. Còn mỗi người dân ở từng tổ dân phố, từng chung cư, từng ngôi nhà phải đồng lòng và chung tay vào cuộc, nghiêm túc, quyết liệt thực hiện các biện pháp được hướng dẫn để không cho dịch COVID-19 lây lan rộng hơn ra cộng đồng.
Vì thế, trong ít ngày tới, việc kiểm soát được tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam và lập danh sách được những người đã nhập cảnh trong nửa tháng qua, không tập trung đông người và xét nghiệm nhanh để tìm được những người nhiễm SARS-CoV-2 có tính quan trọng sống còn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường truyền thông đến người dân không tụ tập đông người và thực hiện nghiêm túc việc cách ly y tế và các biện pháp phòng, chống dịch khác, nếu người nào không chấp hành nghiêm việc cách ly cần phải được xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ GTVT thực hiện các biện pháp giảm dần các chuyến bay từ nước ngoài vào Việt Nam, vì đây là đường xâm nhập dịch bệnh chủ yếu vào đất nước hiện nay. Đối với các chuyến bay nội địa, xe ô tô vận tải hành khách và đường sắt cũng phải có biện pháp để kiểm soát người đi lại để tránh lây nhiễm virus.
Bộ Y tế được Thủ tướng giao cập nhật và chuyển giao ngay các phác đồ điều trị COVID-19 cho bệnh viện tuyến dưới để chủ động trong mọi tình huống, đồng thời tổ chức mua sắm ngay các thiết bị xét nghiệm để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm cho những người có nguy cơ cao. Việc mua sắm này theo giá thị trường và phải được thực hiện công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó, phải ưu tiên mua các loại máy móc, thiết bị và sinh phẩm do các doanh nghiệp trong nước nước sản xuất, đảm bảo được chất lượng.
Cùng với việc đồng ý mở rộng việc xã hội hóa, trên cơ sở đóng góp tự nguyện của người dân cho công tác cách ly y tế tập trung, Thủ tướng cho biết, đến cuối giờ chiều 23/3, các nhà hảo tâm và doanh nghiệp đã ủng hộ qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hơn 305 tỷ đồng, trong đó, Tập đoàn Vingroup ủng hộ 125 tỷ đồng bằng máy thở, máy xét nghiệm, bộ sinh phẩm xét nghiệm và kinh phí nghiên cứu SARS-CoV-2.
Bên cạnh đó, hơn 860.000 người cũng đã nhắn tin ủng hộ gần 57 tỷ đồng để cùng nhà nước phòng chống đại dịch COVID-19.
Thủ tướng nêu rõ, đây là một tin vui trong bối cảnh hiện nay, thể hiện tình đoàn kết của nhân dân cả nước đối với Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến chống lại COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!