Nhiều ý kiến tại Hội nghị cho rằng, để luật đi vào cuộc sống thì những bất cập đang còn tồn tại trên thực tế cần được giải quyết. Kỳ vọng sửa đổi nhằm đưa luật phù hợp với thực tế phát triển của Việt Nam và thông lệ quốc tế liệu có đạt kết quả?
Nhiều ý kiến góp ý được đưa ra tại hội thảo như nhà thầu đưa ra phương án thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ công trình, hay áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất để giảm giá thành sản phẩm sẽ là lợi thế trong đấu thầu. Giá thầu phải được tính vào thời điểm đấu thầu, hay điều chỉnh giá tăng sau khi trúng thầu phải quy định rõ trường hợp nào sẽ được áp dụng.
Nâng cao hiệu quả vốn ngân sách, không nên áp dụng luật một cách máy móc, bởi trên thực tế có những trường hợp chỉ định thầu thay cho đấu thầu sẽ có lợi cho ngân sách hơn.
‘ Việc lựa chọn nhà thầu xây dựng đang được đề xuất chuyển vào nội dung Dự thảo Luật Đấu thầu. Ảnh: Báo Đầu tư
Ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương nêu ý kiến: “Ví dụ trong trường hợp mua ô tô, chúng ta biết chỉ duy nhất có 1 nhà thầu đáp ứng được sản phẩm chúng ta cần, thế nhưng lại cứ áp dụng đấu thầu theo đúng quy định thì chỉ tiêu tốn ngân sách”.
Một ví dụ điển hình mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh đã đưa ra ngay trong hội nghị, đó là dự án QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, cùng thời gian thi công nhưng một nửa dự án thuộc địa phận Thái Nguyên đã vượt tiến độ và đi vào sử dụng, nửa còn lại thuộc địa phận Hà Nội vẫn đang gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Trường hợp này chỉ diễn ra ở Việt Nam.
Từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần khoảng 400 tỉ USD đầu tư vào phát triển hạ tầng, trong khi nguồn ngân sách chỉ đáp ứng được 1/3, vì thế việc sửa đổi luật lần này có ý nghĩa quan trọng, góp phần thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế.