Thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Đấu thầu, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc ban hành Luật Đấu thầu (sửa đổi) với vai trò là luật chung quy định về hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các gói thầu, dự án sử dụng nguồn vốn Nhà nước thuộc tất cả lĩnh vực và các hình thức là cần thiết. Qua đó thống nhất các nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật, góp phần xử lý mối quan hệ giữa luật này với các luật khác có liên quan về lĩnh vực đấu thầu, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý đấu thầu hiện nay.
Ảnh: VTV News
Theo các đại biểu, so với luật hiện hành, Dự thảo Luật lần này có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, bổ sung các hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư khi thực hiện mua sắm sử dụng nguồn vốn của Nhà nước hiện chưa được điều chỉnh, hoặc đã có quy định nhưng ở nhiều Luật và văn bản dưới Luật.
Về chỉ định thầu, các đại biểu cho rằng Dự thảo Luật đã quy định cụ thể hơn trách nhiệm của người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng chỉ định thầu, như vậy sẽ hạn chế được tình trạng chỉ định thầu tràn lan, trốn tránh trách nhiệm trong quá trình chỉ định thầu.
Với trường hợp chỉ có một nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu thì thực hiện chỉ định thầu là phù hợp với thực tiễn, rút ngắn được thời gian và tiết kiệm được các chi phí không cần thiết. Song cần có các quy định chi tiết, cụ thể về tiêu chuẩn đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu để bảo đảm tính chặt chẽ.
Về giải quyết kiến nghị trong đấu thầu được quy định tại chương VIII của Dự thảo Luật, có đại biểu cho rằng việc bổ sung một mục riêng quy định về giải quyết kiến nghị trong đấu thầu tại tòa án là cần thiết. Tuy nhiên, cần quy định rõ việc giải quyết các kiến nghị trong đấu thầu tại tòa án sẽ được thực hiện theo các quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, Luật Đấu thầu chỉ quy định những nội dung đặc thù cho lĩnh vực đấu thầu.
Trước đó, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011.