Khác với những mặt hàng khác, trong thế giới dược phẩm, bệnh nhân - người mua hàng - không có sự lựa chọn mặt hàng mình mua. Vì việc dùng thuốc gì và dùng như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào bác sĩ. Vậy bệnh nhân có thể tham gia như thế nào và đóng vai trò như thế nào trong cuộc hành trình xây dựng con đường thuốc Việt?
‘ PGS.TS Lê Văn Truyền – chuyên gia cao cấp dược học - tại Sự kiện & Bình luận sáng 28/12.
Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Lê Văn Truyền – chuyên gia cao cấp dược học – nói trong chương trình Sự kiện & Bình luận sáng nay, 28/12: “Người bệnh là người tiêu dùng và mục tiêu của ngành dược Việt Nam là chăm sóc sức khỏe cho người dân và phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên hiện nay, 60 – 70% người dân Việt Nam có mức thu nhập chưa cao nên người bệnh rất cân nhắc trong việc dùng thuốc cũng như điều trị bệnh và chúng ta phải làm thế nào để việc điều trị bệnh không khiến người bệnh trở nên đói nghèo”.
“Tuy nhiên, có một số thuốc và một số bệnh dứt khoát thầy thuốc là người quyết định nên chúng ta phải nói đến vai trò của thầy thuốc trong việc này. Nhưng với người dân, đối với những bệnh thông thường, khi mình tự quyết định đi mua thuốc thì mình có thể quan tâm tới những loại thuốc đó. Mặt khác, người dân có quyền yêu cầu các nhà sản xuất dược phẩm cung cấp thông tin chính xác về chất lượng thuốc để người dân biết và quyết định sử dụng thuốc nào cho phù hợp với điều kiện kinh tế, vì nếu không biết người ta có thể được nghe tư vấn và đi dùng thuốc ngoại”.
Theo ông Lê Văn Truyền, với những bệnh phổ thông, khi người bệnh tự quyết định loại thuốc mình mua thì họ sẽ có nhiều vai trò hơn trong việc thúc đẩy con đường thuốc Việt.
Tuy nhiên, có một thực tế rằng số lượng những đơn thuốc người bệnh có vai trò quyết định không nhiều so với những đơn thuốc được bác sĩ chỉ định và kê toa. Vì thế, yếu tố quan trọng vẫn phải nhắc đến trong cuộc cạnh tranh của thuốc Việt với thuốc ngoại chính là vai trò của các bác sĩ. Vậy, vai trò của các bác sĩ và mối quan hệ giữa họ với các hãng dược phẩm – mối quan hệ vốn được biết tới là khá khăng khít – sẽ có ảnh hưởng và đóng vai trò như thế nào đến cuộc cạnh tranh của con đường thuốc Việt?
"Thị trường dược phẩm có một đặc điểm mà người ta gọi là thị trường không hoàn hảo. Ở đó, người bệnh - tức người tiêu dùng - không có quyền lựa chọn như khi họ lựa chọn một mặt hàng tiêu dùng khác. Người tiêu dùng được bác sĩ quyết định dùng thuốc gì" - PGS.TS Lê Văn Truyền nói - "Một vấn đề nữa, trong các hàng hóa thông thường, người mua là người chi tiền, nhưng trong thế giới dược phẩm, người bệnh được sử dụng thuốc thì bảo hiểm là người chi tiền nếu họ là người tham gia bảo hiểm y tế. Như vậy, ở đây có một nhân vật khác đứng bên cạnh để can thiệp vào thị trường".
Hãy tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện của chuyên gia cao cấp dược học Lê Văn Truyền tại Sự kiện & Bình luận trong video dưới đây: