Người tiêu dùng cần có những sự hỗ trợ có ý nghĩa để bảo vệ người quyền lợi của chính mình. (Ảnh minh họa/Nguồn: CA)
Chợ Đầm là chợ truyền thống đầu tiên ở tỉnh Khánh Hòa thực hiện niêm yết giá tất cả các mặt hàng. Ngay cả mặt hàng lương thực, thực phẩm, việc niêm yết giá cũng đều được thực hiện rất nghiêm túc.
Với hàng trăm ngành hàng, cùng với hơn 1.000 hộ kinh doanh và hàng ngàn lượt khách mỗi ngày, chợ Đầm là trung tâm thương mại lớn của tỉnh Khánh Hòa. Việc niêm yết giá các mặt hàng bắt đầu được thực hiện tại chợ từ năm 2003, không ngoài mục đích giúp người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi của mình. Với những du khách lần đầu vào chợ Đầm, các bảng niêm yết giá của chợ sẽ giúp họ dễ dàng lựa chọn hàng hóa đúng giá tiền.
Tuy nhiên, lâu nay có một thực tế khi đi mua hàng tại các chợ, nếu người tiêu dùng mất tiền mua phải mặt hàng nào đó giá trị lớn, không tương xứng với đồng tiền bỏ ra họ mới bắt đầu đi khiếu nại. Còn đa phần, với những mặt hàng ít giá trị, phản ứng của người tiêu dùng chỉ dừng ở những lời than phiền.
Đây là lý do mà Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Khánh Hòa phối hợp Ban quản lý các chợ tổ chức các tổ hòa giải. Tổ hòa giải làm nhiệm vụ giải tiếp nhận những thắc mắc hàng ngày của khách hàng, nghĩa là tạo điều kiện để người tiêu dùng dễ dàng tìm đến cơ quan chức năng để can thiệp.
Nhiều văn bản luật, mặc dù đã có hiệu lực đã lâu, song nhiều người vẫn chưa nắm bắt được hết nội dung. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng không ngoại lệ, sẽ mất nhiều thời gian người tiêu dùng mới nắm chắc những nội dung trong văn bản luật được xem là công cụ bảo vệ quyền lợi cho chính mình. Vì vậy, lúc này những cách hỗ trợ cụ thể để người tiêu dùng kiểm soát giá cả, chất lượng, số lượng hàng hóa khi bỏ tiền ra mua là những sự hỗ trợ có ý nghĩa.