Các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8

PV-Thứ hai, ngày 21/10/2019 06:00 GMT+7

Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 13 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết tại kỳ họp thứ 8 (Ảnh: Quochoi.vn)

VTV.vn - Ở kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua 13 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác.

Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn, lấy ý kiến, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Bộ luật. Tại Phiên họp thứ 36 (tháng 8/2019) và Phiên họp thứ 37 (tháng 9/2019), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật, chỉ đạo việc hoàn thiện dự thảo Bộ luật để gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 17 chương, 220 điều, trong đó có một số nội dung lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý như: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; Tuổi nghỉ hưu; Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; Thời giờ làm việc bình thường; Giải quyết tranh chấp lao động; Đình công… Đặc biệt, sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã có một số nội dung mới, chủ yếu đối với người lao động và người sử dụng lao động như: lần đầu tiên mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động đối với người lao động không có quan hệ lao động về một số tiêu chuẩn lao động; bổ sung quy định cụ thể hơn về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ 200 giờ đến 300 giờ trong một năm nhằm bảo đảm quyền lợi lâu dài cho người lao động; điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình nhằm chuẩn bị, ứng phó với quá trình già hóa dân số, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động… Dự thảo cũng lần đầu tiên luật hóa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động khác; mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động.

[Infographic] Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi: Những điều cần biết [Infographic] Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi: Những điều cần biết

VTV.vn - Nếu bản dự thảo này được thông qua sẽ tác động nhiều mặt đến quyền lợi của người lao động.

Luật Chứng khoán (sửa đổi)

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV và phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Luật Chứng khoán. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật Chứng khoán trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 gồm 10 chương 135 Điều, những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau tại kỳ họp 7 đã được tiếp thu và chỉnh lý gồm: Chào bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá; Điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng; Chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng; Chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Mô hình của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam; Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; Tổ chức hoạt động và chức năng đăng ký giao dịch bảo đảm của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Đối với điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với điều kiện về mức vốn điều lệ để được chào bán chứng khoán ra công chúng là 30 tỷ đồng. Về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc giữ nguyên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính như hiện nay là phù hợp. Về việc tăng thẩm quyền, bảo đảm tính độc lập của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu cơ quan soạn thảo rà soát, bổ sung thêm một số quyền hạn, nhiệm vụ cho Ủy ban Chứng khoán trong việc thực thi nhiệm vụ để có thể tiệm cận với các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán.

Luật Thư viện

Dự án Luật Thư viện đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi tiếp thu, dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này gồm 6 Chương, 49 Điều với những nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý: Bố cục của luật, Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; Khái niệm thư viện; Mạng lưới thư viện và một số thư viện cụ thể; Thành lập và hoạt động thư viện; Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thư viện và người sử dụng thư viện; Quản lý nhà nước và một số vấn đề khác. Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bỏ quy định về phân loại thư viện, thiết kế quy định về mạng lưới thư viện làm cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các thư viện. Dự thảo Luật cũng bỏ quy định về xếp hạng thư viện nhằm đảm bảo bình đẳng cho tất cả các loại hình thư viện. Về Thư viện Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Thư viện Quốc hội có vị trí quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội, có những đặc thù riêng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, quy định như dự thảo Luật là phù hợp với yêu cầu và tổ chức, hoạt động của Thư viện Quốc hội.

Luật Lực lượng dự bị động viên

Tại Kỳ họp thứ 7, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì phối hợp với Ban soạn thảo, cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Những nội dung của dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý gồm: giải thích từ ngữ; nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; các hành vi bị nghiêm cấm; thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh kế hoạch; đăng ký quân nhân dự bị; đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật; tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên; độ tuổi sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình; nghĩa vụ của quân nhân dự bị đã xếp trong đơn vị dự bị động viên; trách nhiệm của chủ phương tiện kỹ thuật, người vận hành, điều khiển phương tiện kỹ thuật được huy động; huấn luyện quân nhân dự bị; chế độ sinh hoạt, báo cáo, kiểm tra công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên; các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên; thẩm quyền Huy động lực lượng dự bị động viên khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ và trong chiến tranh; tập trung, vận chuyển, giao nhận đơn vị dự bị động viên; chế độ phụ cấp đối với quân nhân dự bị được sắp xếp, bổ nhiệm vào đơn vị dự bị động viên; chế độ chính sách đối với quân nhân dự bị, chủ phương tiện có phương tiện được huy động đi làm nhiệm vụ; trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 05 chương, 43 điều (giảm 04 điều so với dự thảo Chính phủ trình), quy định về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.

ĐBQH tán thành sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên ĐBQH tán thành sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên

VTV.vn - Sáng nay (11/6), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự thảo luật Lực lượng dự bị động viên.

Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 và Phiên họp thứ 35 về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, đồng thời gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 8 chương, 50 điều, quy định về nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Dân quân tự vệ. Những nội dung của dự thảo Luật được chỉnh lý, tiếp thu gồm: giải thích từ ngữ; vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Dân quân tự vệ; độ tuổi, thời hạn, tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình; đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, quản lý Dân quân tự vệ; tiêu chuẩn, tuyển chọn và thẩm quyền quyết định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trước thời hạn, đưa ra khỏi danh sách Dân quân tự vệ; hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; tổ chức, hệ thống chỉ huy Dân quân tự vệ; điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp; Ban chỉ huy quân sự cấp xã, thôn đội trưởng; thẩm quyền thành lập, giải thể đơn vị Dân quân tự vệ, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã; hoạt động phối hợp, thẩm quyền điều động , huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật cho Dân quân tự vệ; chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ; chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ bị ốm, bị tai nạn, bị chết, bị thương, hy sinh; bố cục dự thảo Luật.

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

Dự án Luật được thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Tiếp đó, tại phiên họp lần thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật. Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua gồm 8 chương, 52 điều (tăng 2 chương, 12 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7) (xin ý kiến 6 chương, 40 điều), quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Một số vấn đề tiếp tục được xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, bao gồm: Về đối tượng cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh; về thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh; quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam bảo đảm tính kết nối, liên thông, tránh trùng lặp; về trách nhiệm quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân

VTV.vn - Các ĐBQH đánh giá cao những điểm mới của dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trong đó có việc cấp, quản lý và sử dụng hộ chiếu điện tử.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Dự án luật được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XIV; Phiên họp thứ 35 của UBTVQH. Qua thảo luận cho thấy, về cơ bản, các Đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời đã đóng góp thêm các ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo. Một số vấn đề tiếp tục xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, cụ thể như sau:

- Đối với Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ: việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập các tổ chức hành chính; quy định số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của người đứng đầu tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

- Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương: việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền; mô hình tổ chức chính quyền địa phương; số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh và Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II; bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Tại Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 8/2019), sau khi tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung trong Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức để thể chế hóa kịp thời các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về tiếp tục đổi mới công tác xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và khắc phục một số tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thời gian qua. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, đồng thời, lưu ý một số vấn đề cần tiếp tục giải trình, làm rõ, như : Về đối tượng là công chức; về chính sách đối với người có tài năng; về kiểm định chất lượng đầu vào công chức; về hình thức xử lý kỷ luật đối với công chức; về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu; về thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Các nội dung còn có ý kiến của dự thảo Luật đã được tiếp thu và chỉnh lý để đưa ra kỳ họp thứ 8. Nội dung sửa đổi ở Khoản 10 Điều 1 Dự thảo luật (bổ sung Điều 64a) quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước với các cơ quan thanh tra và ngược lại trong quá trình lập, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm toán. Về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, dự thảo Luật bỏ điểm 1, điểm 2a khoản 10 Điều 1, bổ sung phần giải thích thuật ngữ để làm rõ khái niệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; bổ sung quy định kiểm toán Nhà nước chỉ được kiểm tra, đối chiếu để làm rõ các nội dung liên quan trực tiếp đến nội dung đang được kiểm toán, thể hiện tại khoản 3 Điều 1 (bổ sung khoản 2a Điều 11); bổ sung quyền được nhận thông báo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, quyền được khiếu nại kết luận, kiến nghị kiểm toán, khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán Nhà nước, thể hiện tại khoản 13, khoản 14 Điều 1.

Về bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp, dự thảo Luật không bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho Kiểm toán nhà nước để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Do lĩnh vực giám định của Kiểm toán Nhà nước là tài chính công, tài sản công nên việc bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp sẽ gây chồng chéo với nhiệm vụ giám định tư pháp của nhiều cơ quan, đơn vị đã quy định trong Luật Giám định tư pháp.

Về bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp, dự thảo Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc, các vấn đề chi tiết, cụ thể sẽ bổ sung khi sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành VBQPPL, Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Về bổ sung quy định để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, dự thảo Luật tiếp thu theo hướng: bỏ các quy định về quyền "xác minh" tại điểm 2a, khoản 3 và điểm 2 khoản 7, Điều 1; bỏ quy định về trách nhiệm của thành viên Đoàn kiểm toán khi đã kiểm toán nhưng không phát hiện tham nhũng; sửa căn cứ ban hành quyết định kiểm toán từ "có dấu hiệu vi phạm pháp luật" thành "có dấu hiệu tham nhũng" để phù hợp với Luật Phòng chống tham nhũng; quy định Tổng KTNN có trách nhiệm quyết định và tổ chức các biện pháp cụ thể để phòng chống tham nhũng trong nội bộ KTNN theo quy định của Luật PCTN tại điểm 4, khoản 4, Điều 1.

Về bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử, dự thảo Luật quy định chỉ cho phép KTNN truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử để thu thập thông tin cần thiết liên quan đến nội dung kiểm toán và chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật tại khoản 3, khoản 6 Điều 1 Dự thảo luật.

Về quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán tại khoản 8, 9, 12,13, 14 Điều 1 và Điều 2, dự thảo Luật quy định rõ đơn vị được kiểm toán, tổ chức cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng KTNN về trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán và các thành viên đoàn kiểm toán, về đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán…; quy định rõ trình tự thủ tục, thời gian khiếu nại và giải quyết khiếu nại, quy định hết thời hạn giải quyết khiếu nại Tổng KTNN phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động KTNN.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

Luật Tổ chức Quốc hội được ban hành năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Sau hơn 03 năm thi hành, Luật đã đem lại những kết quả tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung kịp thời. Phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật tập trung vào 15/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật gồm: Sửa đổi, bổ sung quy định về đại biểu Quốc hội, trong đó đáng chú ý là việc bổ sung quy định tiêu chuẩn về quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn. Theo đó, đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về Đoàn đại biểu Quốc hội, trong đó có quy định về Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội; Bộ máy giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội; Kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Theo dự kiến, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp và có hiệu lực từ ngày 01/6/2021 để bắt đầu triển khai thực hiện cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

Việc xây dựng dự án Luật xuất phát từ các yêu cầu của việc luật hóa chính sách cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, đồng thời kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh và bảo đảm sự đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan mới được ban hành, cũng như tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đồng thời đảm bảo an ninh quốc gia. Việc sửa đổi, bổ sung Luật số 47 còn nhằm thể chế hóa chủ trương đối ngoại của Đảng; để bảo đảm phù hợp với các Hiệp định thương mại đã được ký kết, gia nhập trong thời gian qua, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, phục vụ phát triển kinh tế của đất nước.

Trên cơ sở ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 37 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) theo quy trình một kỳ họp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát kỹ dự thảo Luật để phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế, nhất là các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập trong thời gian qua, đồng thời, lưu ý một số vấn đề cần tiếp tục giải trình, làm rõ, như: Về quy định các trường hợp được chuyển đổi mục đích của thị thực, trường hợp miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển; về việc bổ sung điều kiện để quyết định đơn phương miễn thị thực làm thu hẹp diện các nước được đơn phương miễn thị thực; về bổ sung các quy định về thị thực điện tử bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ, thống nhất, tránh quy định trùng hoặc bỏ trống nội dung về thị thực điện tử…

Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Ngày 20/6/2017, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 14/2017/QH14 về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Việc ban hành Luật đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang và các lực lượng khác. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã bộc lộ một số bất cập, khoảng trống trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Trong công tác phòng chống tội phạm, đây là những hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của con người, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, cần phải xử lý hình sự. Chính vì vậy, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm kịp thời khắc phục những bất cập này. Phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật gồm: sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 6 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, trong đó nêu rõ: Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao. Theo dự kiến, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp.

Nghị quyết về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội gồm 8 Điều, bao gồm phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc xử lý nợ; đối tượng được xử lý tiền thuế nợ; các biện pháp xử lý nợ; thẩm quyền khoanh nợ, xóa nợ và hồ sơ, trình tự thủ tục xử lý nợ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và điều khoản thi hành. Theo đó, Nghị quyết này quy định về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành. Đối tượng áp dụng Nghị quyết này bao gồm: Người nộp thuế có tiền thuế nợ thuộc đối tượng được xử lý tiền thuế nợ quy định tại Điều 4 Nghị quyết này; Cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về nguyên tắc xử lý nợ: i) Đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền và đảm bảo điều kiện quy định hồ sơ, quy trình, thủ tục; ii) Công khai, minh bạch việc xử lý tiền thuế nợ; iii) Tháo gỡ khó khăn song phải phòng ngừa lợi dụng chính sách để trục lợi; iv) Các trường hợp đã được xóa nợ, nếu phát hiện việc xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thì phải hủy quyết đinh xóa nợ và nộp vào ngân sách khoản nợ đã được xóa.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 và được thực hiện trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này và báo cáo Quốc hội kết quả xử lý hàng năm khi trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước