Giá điện tăng kể từ ngày 20/3 lên mức 8,36% thu hút sự quan tâm của người dân. Sau 1 tháng sử dụng điện, khi cầm trên tay hóa đơn điện đầu tiên kể từ mức tăng mới, nhiều người dân đã không khỏi sững sờ khi giá tiền điện tăng gấp đôi, mặc dù mới chỉ bắt đầu mùa nắng nóng.
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, đã có hơn 71.000 thắc mắc của người tiêu dùng liên quan đến hóa đơn tiền điện đã được gửi đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Túi tiền của từng hộ gia đình đã bị tác động không hề nhỏ. Kể từ khi câu chuyện này "nóng" lên trong xã hội, nhiều người đã cho rằng, nguyên nhân chính là do cách tính giá điện theo biểu giá 6 bậc lũy kế như hiện nay còn bất cập.
Theo Bộ Công Thương, năm 2018, cả nước có tới hơn 1/3 lượng khách hàng sử dụng điện dưới 100 kWh/tháng. Việc chia biểu giá điện sinh hoạt theo 6 bậc thang, trong đó bậc 1 từ 0 - 50 kWh và bậc 2 từ 51 - 100 kWh chỉ bằng 90% giá bán lẻ điện bình quân với mục tiêu hỗ trợ cho người thu nhập thấp. Các bậc thang còn lại giá điện cao hơn nhiều.
Nhưng sau 5 năm triển khai thực tế, nhiều ý kiến cho rằng biểu giá 6 bậc lũy kế này đã không còn phù hợp, gây nhiều bất lợi cho người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, bậc thứ nhất từ 0 - 50kWh/tháng, chỉ đủ cho một gia đình sử dụng đèn chiếu sáng. Đây là mức tiêu thụ điện thấp mà gần như khó có trong thực tế.
Mức sống tăng cao hơn trước nên theo tính toán, mức tiêu thụ điện của gia đình trung bình dao động từ 100 - 300 kWh/tháng.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết hiện nếu áp dụng một biểu giá hoặc ít bậc hơn, người bị ảnh hưởng lớn nhất sẽ là những người sử dụng ít điện. Tuy nhiên trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất biểu giá điện mới sao cho phù hợp nhất với thực tế hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!