Có đến 80% khách quốc tế không quay trở lại Việt Nam. Thống kê từ Hiệp hội du lịch châu Á - TBD (PATA) là một con số đáng suy ngẫm. Lý do tại sao? Câu trả lời có thể thấy từ chuyến du lịch kinh hoàng của một du khách Australia tại khu vực Hạ Long - Cát Bà của Việt Nam và được đưa lên báo chí nước này.
Những "hạt sạn" của du lịch Việt Nam như dịch vụ kém, ép giá… dù ít nhưng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế.
Bãi Đá Nhảy là một trong những bãi tắm đẹp nhất ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình, thế nhưng, nếu đến đây trong thời điểm này du khách sẽ thấy mảnh sành, lon bia, chiếu ngủ, các loại rác thải sinh hoạt. Cảm xúc về vẻ đẹp kỳ vĩ của những phiến đá bị thay thế bằng sự hụt hẫng, thất vọng bởi rác thải. Nhiều du khách đặt câu hỏi, không biết đây là bãi Đá Nhảy hay bãi "rác nhảy"?!
Mất vệ sinh, bị bủa vây bởi rác thải là một trong những hình ảnh rất xấu xí mà du khách trong và ngoài nước gặp phải khi đến các điểm tham quan, du lịch, nhất là vào những dịp cao điểm.
Ngoài ra, hàng loạt hiện tượng ép giá, mất an ninh điểm đến, mất an toàn vệ sinh thực phẩm đã trở thành nỗi lo ngại với du khách cả trong và ngoài nước khi có kế hoạch cho hành trình tham quan của mình.
Xây dựng những hành trình hấp dẫn, tạo niềm tin và mang lại ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh, văn hóa Việt Nam là mục tiêu lớn của ngành du lịch và các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ chân chính. Tuy nhiên, nhiều khi nỗ lực của cả ngành lại bị phá hỏng bởi những đại lý, đơn vị làm ăn chộp giật, đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của du khách.
Sự việc đoàn khách Australia lên tiếng về hành trình tham quan "kinh hoàng" khi thuê tàu Hoàng Phương tham quan Vịnh Hạ Long gần đây là một ví dụ điển hình. Những gì họ phải trải qua sai hoàn toàn so với những gì được quảng cáo. Câu chuyện "treo đầu dê, bán thịt chó" của một văn phòng du lịch đã được truyền thông quốc tế nhắc đến là câu chuyện của du lịch Việt Nam.
Hơn mọi lời quảng cáo, du khách chính là sứ giả quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam từ chính những trải nghiệm của bản thân họ. VÌ thế, hãy để họ chia sẻ những câu chuyện đẹp, chứ không phải một hình ảnh du lịch Việt Nam đầy "sạn".
Không chỉ khách quốc tế mà thống kê cho thấy ngay cả với khách nội địa, chỉ 24% đến thăm các điểm du lịch lần thứ hai và chỉ 13% đến lần thứ 3 dù chỉ là những "con sâu làm rầu nồi canh" nhưng đã đến lúc phải nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế của ngành du lịch. Công tác quản lý điểm đến và môi trường du lịch còn nhiều bất cập khiến tình trạng lừa đảo, đeo bám, mất cắp hành lý, vệ sinh thực phẩm, trở thành vấn đề nhức nhối.
Vậy ngành du lịch cần giải pháp gì để chấn chỉnh những bất cập này, sau đây là ý kiến từ Tổng cục Du lịch Việt Nam.
Năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam chỉ đứng thứ 67 trên hơn 130 quốc gia được xếp hạng dù nguồn tài nguyên du lịch và tiềm năng rất dồi dào. Chính vì vậy, bên cạnh việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, đổi mới sản phẩm, cần một giải pháp tổng thể, cái bắt tay chặt giữa các ngành, các địa phương và cả cộng đồng/ để lấp những khoảng trống trong văn hóa, văn minh, môi trường du lịch, để làm sao mời khách quay trở lại nhiều lần và lưu trú dài ngày.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!