Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: VGP)
Tiếp tục kiểm tra 5 Bộ, Tổ công tác của Thủ tướng cho rằng việc cắt giảm các thủ tục, điều kiện kinh doanh được tiến hành rất quyết liệt nhưng "người dân vẫn nghi ngại chưa thực chất" và nội dung này sẽ được Chính phủ báo cáo Quốc hội.
Trước ý kiến này, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đã hoàn thiện xong dự thảo nghị định mới để sửa cùng lúc 14 nghị định, bãi bỏ 9 thông tư, cắt giảm 1.363 điều kiện kinh doanh.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 17/10, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động – Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Tư pháp về việc chậm ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh.
Trước đó, ngày 16/10, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra 4 Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cho biết trong thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, các Bộ đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện, thủ tục. Với tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh, Chính phủ đặt mục tiêu phải cắt giảm ít nhất 50%, nhưng đến nay mới cắt được 1.517 điều kiện. Trong kiểm tra chuyên ngành có 9.926 dòng hàng, cần cắt giảm ít nhất 50%, nhưng đến nay mới cắt giảm được 1.700 dòng hàng.
"Tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất quyết liệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đều yêu cầu các cơ quan Chính phủ cải cách phải đi vào thực chất. Nhưng người dân vẫn nghi ngại chưa thực chất, thể hiện ở chỗ chậm tiến độ, so với thời hạn ngày 15/8 thì đến nay đã quá 2 tháng nhưng vẫn chưa hoàn thành việc cắt giảm", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.
Do đó, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 30/10 là hạn cuối cùng để hoàn thành việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện kinh doanh.
Tổ công tác ghi nhận, nhìn chung các bộ đã thực hiện rất nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng. Một số điển hình như Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 15 thay thế Nghị định 38, tạo thay đổi rất lớn trong kiểm tra an toàn thực phẩm; Bộ Công Thương tiên phong cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, ban hành các nghị định về kinh doanh gas, gạo được các doanh nghiệp đánh giá rất cao. Cùng với đó là các cải cách của thuế, hải quan; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng quản lý rủi ro... trong kiểm tra chuyên ngành. Ngân hàng Thế giới đánh giá trong năm 2017, chúng ta đã tiết kiệm được 200 triệu USD cho doanh nghiệp khi làm thủ tục thông quan với 11 triệu hồ sơ xuất nhập khẩu, trung bình mỗi lô hàng tiết kiệm được 19 USD nhờ cắt giảm thủ tục.
Tuy nhiên, vẫn có Bộ còn chưa quyết liệt, hoặc chưa quyết liệt, nên chưa đạt mục tiêu cắt giảm 50%. "Vấn đề là lãnh đạo Bộ có quan tâm không và quan trọng nữa là các cục, vụ có quyết tâm không? Có nơi làm rất tốt, nhưng có nơi làm chưa thực chất, vẫn cắt giảm cơ học, giảm điều kiện này thì đưa ra quy định trong thông tư khác hoặc tuy có từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhưng tỉ lệ kiểm tra còn rất nhiều. Tỉ lệ thủ tục kết nối trên cơ chế một cửa vẫn thấp, chưa nói đến những trục trặc", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.
Bộ trưởng cho biết thêm, tuy tỉ lệ lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành đã giảm từ 30% xuống còn 19,4% nhưng cũng vẫn chỉ phát hiện 0,06% các lô hàng có lỗi vi phạm, tức là kiểm tra nhiều, chi phí chính thức và không chính thức của doanh nghiệp lớn nhưng tỉ lệ vi phạm rất thấp.
Cụ thể, Tổ công tác ghi nhận 7 Bộ đã vượt chỉ tiêu được Chính phủ giao trong đơn giản hóa, cắt giảm các dòng hàng phải kiểm tra. Đó là Bộ Công Thương đã cắt giảm 402/702 dòng hàng, Bộ TT&TT cắt giảm 89/146 dòng hàng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cắt giảm 33/33 dòng hàng, Bộ Khoa học và Công nghệ cắt giảm 22/24 dòng hàng, Bộ Giao thông vận tải cắt giảm 80/134 dòng hàng, Bộ Xây dựng cắt giảm 33/64 dòng hàng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cắt giảm 38/74 dòng hàng.
Nội dung lớn thứ hai của buổi làm việc là cắt giảm các điều kiện kinh doanh, Tổ công tác cho biết cũng đã có 7 Bộ đạt và vượt chỉ tiều đề ra. Đó là Bộ Công Thương cắt 675/1.216 điều kiện, Bộ Xây dựng (183/215), Bộ Tài nguyên và Môi trường (101/163), Bộ Giáo dục và Đào tại (121/212), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (60/112), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (172/345), Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (63/122).
Tuy nhiên, nhiều Bộ chưa đạt, như Bộ Thông tin và Truyền thông mới cắt giảm 26/385 điều kiện, Bộ GTVT (109/570), Bộ Tư pháp (7/94)...
Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Tổ công tác yêu cầu 5 Bộ báo cáo rất chi tiết. Cụ thể, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã hoàn thành chỉ tiêu thì tiếp tục rà soát, tiếp tục cắt giảm. Tổ công tác cũng đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp phát biểu thẳng thắn, nêu rõ các vướng mắc, "nói thẳng, nói đúng, nói trúng để các cơ quan nhà nước nhận thông tin đầy đủ, chỉnh sửa chính sách cho phù hợp". "Ví dụ vấn đề các doanh nghiệp có còn phải sử dụng muối có bổ sung Iode hay không, để Tổ công tác có thêm thông tin, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng", Bộ trưởng nói.
Sau thời điểm 30/10, sẽ có đánh giá chi tiết, cụ thể về kết quả, chất lượng cắt giảm các điều kiện, thủ tục, mặt được, mặt không được, công bố công khai cho doanh nghiệp biết.
Cũng theo Bộ trưởng, tại kỳ họp Quốc hội sắp tới, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội rất đầy đủ, thực chất về cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, nếu bộ nào làm không tốt "chắc chắn các đại biểu sẽ rất quan tâm và chất vấn các Bộ trưởng".
Phát biểu tại buổi kiểm tra, lãnh đạo các Bộ cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh rà soát để cắt giảm các điều kiện, thủ tục.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đã hoàn thiện xong dự thảo nghị định mới sửa cùng lúc 14 nghị định, bãi bỏ 1 quyết định và 9 thông tư. Theo đó, sẽ cắt giảm 1.363 trong tổng số 1.871 điều kiện và cắt giảm 169/234 thủ tục hành chính.
Hoan nghênh kết quả này, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là kiên quyết cắt giảm các điều kiện, thủ tục không cần thiết nhưng phải bảo đảm quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn thực phẩm, sức khỏe con người, môi trường, "nhưng không vì lý do đó mà đưa ra các rào cản".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!