Chính phủ sẽ nỗ lực để đưa con tàu Việt Nam đi tới bến bờ thành công

Trung Kiên (Ban Thời sự)-Thứ năm, ngày 03/11/2016 19:17 GMT+7

VTV.vn - "Chính phủ sẽ nỗ lực làm tốt chức năng kiến tạo của mình và hợp tác hiệu quả, cùng có lợi với cộng đồng doanh nghiệp để đưa con tàu Việt Nam đi tới bến bờ thành công".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy tại Hội nghị Kinh tế đối ngoại Việt Nam, do Bộ Ngoại giao và Tạp chí Nhà kinh tế Anh (The Economist) đồng tổ chức, tại TP.HCM với chủ đề "Ra khơi thuận buồm xuôi gió" tối 2/11.

Trước các nhà hoạch định chính sách, nhà kinh tế và giới đầu tư quốc tế tham dự Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sau 30 năm thực hiện đường lối Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Ngày nay, con tàu Việt Nam đang tiến ra biển lớn của kinh tế toàn cầu với độ mở của nền kinh tế ngày càng cao. 

Đến năm ngoái, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam đạt gần 330 tỷ USD, bằng 1,5 lần GDP. Độ mở này chỉ thấp hơn Singapore nhưng cao hơn Malaysia và Thái Lan. Đó là chưa kể đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp 1/5 vào GDP. 

Tuy vậy, với dân số đứng thứ 14 nhưng quy mô GDP của Việt Nam mới chỉ đứng thứ 48 trên thế giới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, để phát triển nhanh hơn nữa Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, đồng thời tích cực tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. 

Với việc tham gia 14 Hiệp định thương mại tự do, đây là cơ hội mở ra không gian rộng lớn cho phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam, đồng thời các nhà đầu tư nước ngoài đến kinh doanh tại Việt Nam có thể tiếp cận thuận lợi với những thị trường rộng lớn của 55 đối tác này của Việt Nam.

Với mục tiêu cùng Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tìm hiểu về các vấn đề cấp bách nhất của kinh tế Việt Nam, Hội nghị kinh tế đối ngoại 2016 đã lựa chọn một cách làm mới - hội nghị không diễn văn. Giới chuyên gia, học giả và doanh nghiệp trong, ngoài nước đặt câu hỏi và tranh luận với đại diện Chính phủ. Là diễn giả chính của phiên họp sáng 3/11, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam chấp nhận sẽ phải đối mặt với áp lực của cuộc cách mạng lần thứ tư về giải quyết công ăn việc làm. 

Theo Phó Thủ tướng "để tăng năng suất lao động chắc chắn sẽ phải tự động hóa, nhưng ngược lại tự động hóa đi đôi với nguy cơ mất việc làm. Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển việc đối phó với thách thức đó sẽ ngày càng gay gắt". 

Vì vậy, theo Phó Thủ tướng, để nâng cao chất lượng phát triển kinh tế, Việt Nam chắc chắn sẽ phải thúc đẩy được việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, tăng cường đào tạo lao động có tay nghề và trình độ cao.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước