Tại buổi làm việc với Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các đơn vị liên quan cần nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và có chính sách hỗ trợ cho người dân tái định cư. Tuy nhiên quá trình giải phóng mặt bằng ở đây vi phạm nhiều quy trình như không có thông báo cho dân hoặc có trường hợp người dân đã bàn giao mặt bằng mà vẫn không nhận được tiền hỗ trợ đền bù.
Đang thuê hơn 100ha hồ Tân Xã từ Công ty Thủy nông Sông Tích để nuôi thả cá, ông Nguyễn Đình Dũng, xã Tân Xã, huyện Thạch Thất, Hà Nội rất bất ngờ khi bỗng dưng có đơn vị đưa máy ủi đến san lấp lòng hồ mà không nhận được bất kỳ thông báo hoặc sự hỗ trợ gì từ chính quyền huyện Thạch Thất.
Ông Dũng cho biết: Thấy họ đến san ủi mặt bằng nên đã hỏi, họ đưa bản đồ nói rằng đã được chính quyền bàn giao 7,4 ha, trong khi đó ông Dũng chưa được hỗ trợ gì trên hồ của mình.
Lãnh đạo Ban quản lý dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Công ty Thủy lợi Thạch Thất - đơn vị được ủy quyền từ Công ty Thủy lợi Sông Tích đều xác nhận, một phần diện tích hồ Tân Xã đã được lấy và chuyển giao cho các dự án.
Ông Trần Văn Dương, Giám đốc Ban quản lý Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc xác nhận: “Chúng tôi chỉ nhận mặt bằng sạch và vừa rồi chúng tôi có nhận sớm diện tích một phần lòng hồ để làm”.
Theo lời ông Hoàng Đức Thịnh, Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Thạch Thất: “Chúng tôi xuống thì đã thấy san lấp rồi, chúng tôi lập biên bản ước chừng diện tích đã san lấp khoảng hơn 7 ha”.
Do việc san lấp hồ ảnh hưởng đến nuôi thả cá, ông Dũng và một số hộ dân đã chủ động làm đơn xin bàn giao mặt bằng hồ Tân Xã cho dự án và đã được tổ công tác của huyện kiểm đếm tài sản. Vậy nhưng tại buổi làm việc với phóng viên, lãnh đạo huyện Thạch Thất lại khẳng định chưa hề lấy bất kỳ diện tích nào tại mặt hồ Tân Xã, do vậy không thể xem xét việc hỗ trợ hoặc đền bù cho người dân.
Ông Chu Đại Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, Hà Nội nói: “Chúng tôi chưa hề lấy diện tích mặt hồ, chỉ là kè thôi. Vả lại để chủ hồ được hỗ trợ thì phải xem xét tư cách pháp nhân, hợp đồng thuê mượn thế nào thì mới hỗ trợ”.
Đại diện Xí nghiệp Thủy lợi Thạch Thất cho biết, việc ký hợp đồng cho thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản là hoàn toàn đúng quy định và Xí nghiệp đã cung cấp các văn bản này cho UBND huyện để làm cơ sở tính toán cho việc hỗ trợ bồi thường. Xác định là đã san lấp hồ hay mới làm kè cũng là điều quá dễ, vậy mà hơn 1 năm qua, huyện Thạch Thất vẫn không xác nhận và bồi thường hỗ trợ đã khiến người dân tự nguyện giao đất cho dự án công nghệ cao Hòa Lạc không thể tái sản xuất vì thiếu vốn.
Mời quý vị khán giả theo dõi Video chi tiết.