Chủ tịch nước chụp ảnh lưu niệm với các cựu chiến binh Sư đoàn 356. (Ảnh: VOV)
Tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước đã nghe các cựu chiến binh Sư đoàn 356 kể lại những trận đánh cách đây 30 năm tại những cao điểm thuộc xã Thanh Thủy, huyên Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Sư đoàn 356 nhận nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ tuyến biên giới Hà Tuyên từ năm 1984 đến 1988, giai đoạn này, tiếng súng vẫn nổ trên tuyến biên giới phía Bắc. Theo các cựu chiến binh, ngày nào không có tiếng súng là một ngày không bình thường, thậm chí có những trận đánh đẫm máu và nước mắt. Những năm tháng đó, bằng xương máu của mình, Sư đoàn 356 đã bảo vệ từng tấc đất, ngọn cỏ của Tổ quốc. Năm 1989, Sư đoàn giải thể và cho đến những ngày này, Ban liên lạc Sư đoàn vẫn tổ chức gặp mặt và cầu siêu cho đồng đội đã hy sinh.
Cuộc gặp gỡ với Chủ tịch nước hôm nay được các cựu chiến binh coi là một phần thưởng vô cùng cao quý. Chủ tịch nước khẳng định, trong suốt chiều dài của lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, những năm tháng sôi sục bảo vệ biên giới phía Bắc là niềm khắc khoải và tự hào của nhân dân cả nước.
Các cựu chiến binh cho biết, vào giai đoạn đó, ai cũng thuộc lòng khẩu hiệu "Giặc này phải đánh, không thắng không về". Sư đoàn 356 đã bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc, bảo vệ thị xã Hà Giang. Các cựu chiến binh đã phát biểu, người chiến sĩ có ba điều thiêng liêng: Tổ quốc-Đồng đội-Gia đình, khi đất nước gọi họ lại lên đường. Các cựu chiến binh cũng nói lên điều day dứt vì vẫn chưa tìm kiếm và quy tập được hơn 100 anh em đã hy sinh về nghĩa trang. Ngoài ra, còn nhiều người chưa được hưởng các chế độ chính sách do thất lạc giấy tờ.
Chủ tịch nước khẳng định sẽ chỉ đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, tỉnh Hà Giang khẩn trương phối hợp rà soát và giải quyết những tồn đọng về chế độ chính sách, hỗ trợ việc tìm kiếm và quy tập hài cốt chiến sĩ. Chủ tịch nước cũng nhất trí với nguyện vọng chính đáng về việc xây dựng một công trình tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của sư đoàn 356 tại tỉnh Hà Giang.