Kể từ khi được thành lập cách đây 10 năm, với vai trò chăm sóc, giúp đỡ và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh, đến nay, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã phát triển mạng lưới tổ chức Hội khắp cả nước, kịp thời phản ánh tình hình, tích cực tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước, cấp ủy chính quyền các cấp để ban hành các văn bản góp phần ban hành cũng như thực thi các chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam.
Cuối năm 2013, Hội đã vận động ủng hộ được số tiền trên 700 tỷ đồng để xây dựng các trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng; xây dựng cơ sở giải độc và nhà tình nghĩa; Khám chữa bệnh miễn phí và hỗ trợ tìm việc làm… Hội cũng cũng đã thiết lập mối quan hệ với khoảng 500 tổ chức và cá nhân thuộc 30 quốc gia trên thế giới nhằm tìm những tiếng nói của bạn bè quốc tế ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam.
Nhân dịp này, Hội đã đề xuất một số kiến nghị như: tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện chế độ chính sách, mở rộng trung tâm tẩy độc ra một số tỉnh, thành, cho phép xây dựng 3 trung tâm khu vực để nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho nạn nhân cô đơn, không nơi nương tựa.
Phát biếu tại buổi làm việc Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những kết quả đạt được của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong 10 năm qua đã góp phần giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần cho hàng triệu hội viên. Chủ tịch nước cũng cho rằng với tôn chỉ Đoàn kết, Nghĩa tình và Trách nhiệm có thể thấy vai trò của Hội là hết sức rõ ràng, và đã được cụ thể hóa bằng các hoạt động nhân đạo, xây nhà tình nghĩa, xây trung tâm nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam, chăm lo đời sống con cháu, gia đình của các hội viên. Chủ tịch nước đề nghị, trong thời gian tới, Hội cần tích cực kêu gọi sự chung tay của cộng đồng, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để tạo nguồn lực hỗ trợ góp phần cho gần 5 triệu nạn nhân chất độc da cam trên cả nước, đồng thời xác định việc tẩy độc chất độc da cam là việc làm cần thiết và khẩn trương trong thời gian tới.