Đại diện tổ ĐBQH đơn vị 1 nhấn mạnh, 31 ngày của kỳ họp vừa qua Quốc hội đã hoàn thành trọn vẹn chương trình nghị sự đề ra. Kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đây có thể gọi là kỳ họp của Quốc hội lập hiến với việc thảo luận viết lại dự thảo sửa đổi Hiến pháp; dự thảo Luật đất đai sửa đổi, đặc biệt là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm của 47 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Năm 2012, với nỗ lực chung đất nước đã đạt 11 trên 15 chỉ tiêu đề ra, kỳ họp vừa qua Quốc hội đánh giá cao việc kiềm chế lạm phát vốn ám ảnh nền kinh tế nhiều năm qua, tuy vậy mặt trái của việc kiềm chế lạm phát cũng để lại những tác động tiêu cực đến tăng trưởng, doanh nghiệp. Năm 2012, TP.HCM chỉ có 30% doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, thị trường bất động sản trầm lắng, Nghị quyết 02 của Chính phủ chậm đi vào cuộc sống, sản xuất lúa gạo có sản lượng cao nhưng giá thấp, không bán được; quá trình tái cơ cấu kinh tế quá chậm do sự yếu kém nội tại của nền kinh tế...
Các ý kiến phát biểu tại buổi tiếp xúc cho thấy cử tri theo dõi rất sát sao các hoạt động nghị trường. Kỳ họp vừa qua Quốc hội đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình cũng như đã thể hiện được tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân tại diễn đàn rộng rãi và dân chủ, qua đó nhân dân thấy rõ hơn vai trò của mình, đồng thời đem lại sự tin tưởng đối với hệ thống chính trị.
‘ Chủ tịch nước trao đổi với các cử tri Quận I, TP.HCM. Ảnh: Cổng ĐT Chính phủ
Đánh giá cao Quốc hội, nhưng cử tri cũng bày tỏ sự lo lắng về công tác phòng, chống tham nhũng. Việc xử lý người đứng đầu các tập đoàn lớn có sai phạm vẫn chưa nghiêm khắc và để kéo dài; công tác điều tra, xét xử dường như có khúc quanh; đối với việc lấy phiếu tín nhiệm, nhiều ý kiến cho rằng cần phải thay đổi cách thiết kế.
Ông Trần Đăng Tâm, phường Đa Kao, Quận 1 cho rằng: “Từ điển Việt Nam không có tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp, chỉ nên hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm”.
Cử tri cũng hoan nghênh việc chống lãng phí nhưng đòi hỏi phải quy trách nhiệm cho cá nhân cụ thể nếu phát hiện những quyết định dẫn đến lãng phí. Cử tri tỏ ra không đồng tình với việc kê khai tài sản nhưng lại không phải công khai đến người dân, có ý kiến cho rằng, cần quy định kê khai tài sản cả người đương chức và nguyên chức. Hoan nghênh các nghị quyết của kỳ họp Quốc hội vừa qua, đồng thời cử tri mong muốn đến kỳ họp sau mỗi lời hứa sẽ thành hiện thực.
Một số ý kiến khác lo lắng về an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, giáo dục, khâu phân phối lưu thông đang khiến nông dân thiệt thòi. Cử tri cũng đề nghị Chủ tịch nước cho biết kết quả chuyến Trung Quốc vừa qua, Chủ tịch nước đã thông báo sơ bộ về kết quả chuyến thăm và cho biết, các phương tiện truyền thông đã đăng tải khá đầy đủ, mong cử tri tìm hiểu thêm.
Tại hai điểm tiếp xúc, Chủ tịch nước đã giải thích và trả lời ý kiến của 30 cử tri. Chủ tịch nước đánh giá cao sự thẳng thắn, chất lượng của kiến nghị, điều đó đã góp phần nâng cao hiệu quả của hệ thống chính trị, của mỗi cá nhân trong bộ máy quản lý. Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng thừa nhận, việc quy trách nhiệm cá nhân hiện còn nhiều vướng mắc trong thực hiện.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, các đại biểu Quốc hội làm nhiệm vụ chuyển tải ý kiến nhưng điều rất quan trọng là cử tri cũng phải có trách nhiệm đến cùng với kiến nghị của mình, phải theo dõi, ghi chép đầy đủ để đến kỳ họp Quốc hội sau kiểm chứng lại. Chủ tịch nước cũng cho biết, sắp tới Trung ương sẽ ban hành một văn kiện quan trọng về việc nâng cao vai trò giám sát của cơ quan Mặt trận, cùng với đó trong Đảng, Hội đồng Nhân dân các cấp cũng thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, điều đó sẽ nâng cao trách nhiệm của cá nhân trong bộ máy. Chủ tịch nước khuyến khích cử tri phải đòi hỏi cao hơn, nhiều hơn đối với những người mà mình đã tự tay bỏ phiếu bầu.