13h30 - giờ địa phương, Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến sân bay quốc tế Quảng Châu. Thành phố Quảng Châu là thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, trung tâm kinh tế của đồng bằng châu thổ sông Châu Giang, đồng thời cũng là động lực xuất khẩu của vùng chế xuất xuất khẩu hàng đầu Trung Quốc. Với Việt Nam, Quảng Châu là nơi ghi dấu những năm tháng hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các nhà cách mạng tiền bối, gắn với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.
Chủ tịch nước đã đến thăm khu di tích trụ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Đây là tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng ta, nơi Bác Hồ đã dành thời gian để viết cuốn sách "Đường Kách mệnh" và xuất bản tờ báo "Thanh niên" để làm tài liệu huấn luyện cho nhiều chiến sĩ Cách mạng Việt Nam trong những năm 1925-1926. Đây là một tòa nhà 3 tầng, nằm trên đường Văn Minh ở quận Đông Sơn. Gần 100 năm nhưng ngôi nhà và những hiện vật bên trong vẫn được gìn giữ chu đáo.
Khóa bồi dưỡng những kiến thức về cách mạng đầu tiên chỉ có 5 học viên và được mở vào năm 1925, trong số đó có đồng chí Phạm Văn Đồng - vị Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam. Năm 1971 trong chuyến thăm Quảng Châu, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Trung Quốc - Chu Ân Lai khi trở lại căn nhà này đã chính thức xác nhận: Đây là một khu di tích lịch sử cần phải được giữ gìn và tôn tạo. Đến năm 1998, nhân kỷ niệm 108 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và chính quyền Thành phố Quảng Châu đã đầu tư kinh phí để tu bổ khu di tích, từ đó, các đoàn khách từ Việt Nam sang thăm khu di tích này ngày một đông. Di tích không chỉ thể hiện tình cảm của nhân dân Quảng Châu với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với nhân dân Việt Nam, mà đã trở thành một biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.
‘ Chủ tịch nước viếng mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái, tại Nghĩa trang Hoàng Hoa Cương. Ảnh: VOV
Rời di tích lịch sử Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, Chủ tịch nước đã đến đặt vòng hoa tại Nghĩa trang - công viên liệt sỹ Hoàng Hoa Cương, nơi có phần mộ của nhà cách mạng tiền bối Phạm Hồng Thái. Liệt sỹ Phạm Hồng Thái sinh năm 1896, năm 1924 ông gia nhập tổ chức Tâm tâm xã, cũng năm này, Phạm Hồng Thái đã ám sát toàn quyền Đông Dương Méc-lanh đang trên đường từ Nhật về Đông Dương và dừng lại ở Quảng Châu. Vụ mưu sát không thành, Phạm Hồng Thái phải gieo mình xuống dòng Châu Giang lúc mới 28 tuổi. Sự kiện này gây tiếng vang lớn với tên gọi "Tiếng bom Sa Diện", báo hiệu sự vùng lên của thuộc địa Đông Dương. Thi hài Phạm Hồng Thái nằm ở Đài liệt sĩ Hoàng Hoa Cương với 72 liệt sĩ Trung Quốc trong cuộc Cách mạng Tân Hợi 1911. Trên cổng chính của Nghĩa trang tạc bốn chữ "Hạo khí trường tồn" - khí phách hiên ngang tồn tại đời đời.
Tại Quảng Châu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp đồng chí Hồ Xuân Hoa, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông. Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu quan trọng mà tỉnh Quảng Đông đã đạt được trong thời gian qua và chúc Đảng ủy, Chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Đông, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hồ Xuân Hoa sẽ tiếp tục vững bước phát triển, phát huy vai trò quan trọng là một trong những con chim đầu đàn trong sự nghiệp cải cách mở cửa và phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc.
Chủ tịch nước bày tỏ hài lòng trước những kết quả hợp tác mà các địa phương của Việt Nam và Quảng Đông đã đạt được trong thời gian qua; đề nghị hai bên cần tích cực khai thác những tiềm năng hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế thương mại, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch... tiếp tục phát huy vai trò và hiệu quả của các cơ chế hợp tác, đặc biệt là cơ chế Hội nghị định kỳ kiểm điểm tình hình hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương Việt Nam với tỉnh Quảng Đông do Bộ Ngoại giao Việt Nam chủ trì, để thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Quảng Đông với các bộ ngành, địa phương của Việt Nam ngày càng phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn Chủ tịch nước đã dành thời gian đến thăm tỉnh Quảng Đông, khẳng định trong thời gian tới, tỉnh Quảng Đông sẽ nỗ lực, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, cũng như phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam để thực hiện tốt những thỏa thuận và nhận thức chung quan trọng mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được trong chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước, không ngừng củng cố và đóng góp cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Chiều tối nay (21/6), Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Quảng Châu lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.