"Chúc Tết cấp trên là sự biến tướng của thói nịnh, biểu hiện của việc đút lót, hối lộ"

Sự kiện và bình luận-Thứ bảy, ngày 03/12/2016 12:24 GMT+7

VTV.vn - TS Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội cho rằng, chúc Tết đã bị biến tướng và lẫn lộn với nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cán bộ địa phương không được đến Hà Nội chúc Tết, tặng quà cho Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng mà tập trung chuẩn bị chăm lo Tết cho nhân dân. Lời yêu cầu của Thủ tướng được kỳ vọng sẽ mang lại hình ảnh mới về Chính phủ liêm chính, đặc biệt khi việc biếu quà Tết lâu nay như trở thành nghĩa vụ không dám thiếu của nhiều cán bộ, viên chức.

TS Nguyễn Viết Chức – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội bày tỏ quan điểm: "Chúc Tết được coi là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Tuy nhiên, chuyện chúc Tết cấp trên không thuộc nét đẹp văn hóa, dứt khoát cần phải loại bỏ. Nếu cứ để tồn tại lâu dài thì vấn đề này sẽ không tốt. Nói đúng hơn, đây là sự biến tướng của thói nịnh cấp trên, thậm chí bây giờ còn trở thành biểu hiện của việc đút lót, hối lộ. Vì thế, xét về góc độ văn hóa, chúng ta cần phải trả lại nét đẹp cho việc chúc Tết theo đúng nghĩa".

Chúc Tết cấp trên là sự biến tướng của thói nịnh, biểu hiện của việc đút lót, hối lộ  - Ảnh 1.

TS Nguyễn Viết Chức – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội

Ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục chống tham nhũng, thuộc Thanh tra Chính phủ đồng tình: "Chúc Tết đã là nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Nhưng bây giờ, nhiều người khiến nét đẹp đó bị lẫn lộn với tính thực dụng, thể hiện lợi ích nhóm hay lợi ích cá nhân. Quà biếu được dùng chúc Tết chính là biểu hiện của sự thỏa thuận, mang dấu hiệu hành vi hối lộ. Thậm chí, không chỉ trong dịp Tết, nhiều người còn tới biếu quà cấp trên trong những dịp khác. Điều đó cũng nên loại bỏ".

Chúc Tết cấp trên là sự biến tướng của thói nịnh, biểu hiện của việc đút lót, hối lộ  - Ảnh 2.

Ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục chống tham nhũng, thuộc Thanh tra Chính phủ

Trước đây, vào năm 2007, Chính phủ đã có Quyết định số 64 về quy chế tặng quà, nhận quà trong các dịp hiếu, hỷ, lễ, tết với quy định về mức nhận quà có giá không quá 500.000 đồng. Nhưng trên thực tế những năm gần đây, nhiều món quà để chúc, tặng cấp trên có giá rất cao.

Đề cập về điều này, TS Nguyễn Viết Chức cho rằng: "Chúng ta không thể có quy định nào bao quát được hết khía cạnh của đời sống, mà quan trọng còn ở tâm tư, nhận thức, trách nhiệm của mỗi người. Quà cần thể hiện ý nghĩa về tinh thần nhiều hơn là vật chất nên mới có quy định về giá trị không quá 500.000 đồng. Nhưng rõ ràng, việc tặng quà có mục đích và động cơ là khác hoàn toàn bởi đó là hành vi hối lộ, nịnh cấp trên. Người đưa quà và người nhận quà đều hiểu được điều đó nhưng vẫn không làm theo đúng quy định. Tôi nghĩ, cán bộ cần biết hổ thẹn khi nhận quà, đưa quà".

Theo ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục chống tham nhũng, việc chống hối lộ, tham nhũng đã được thực hiện trong nhiều năm qua, trong đó có vấn đề tặng quà, biếu quà không đúng theo quy định của pháp luật. Cục chống tham nhũng đã có đường dây nóng để người dân phản ánh tình trạng hối lộ. Ông cho biết: "Nhờ đường dây nóng, chúng tôi biết rằng tình trạng đó đã tăng lên. Tuy nhiên, việc xử lý còn phải căn cứ vào pháp luật, vào những quy định của Đảng và Nhà nước. Chúng ta không thể kết luận tất cả hành vi tặng quà đều là trái quy định của pháp luật bởi chuyện tặng quà bị lẫn lộn với hành vi có động cơ. Do đó, chúng ta chưa có chế tài hành lang về pháp luật để xử lý nghiêm tình trạng này".

Mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi với TS Nguyễn Viết Chức và ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục chống tham nhũng qua video Sự kiện và bình luận dưới đây:

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước