Cổ phần hóa doanh nghiệp: Tìm động lực trong sức ép hai năm tới

Trung Khánh-Thứ sáu, ngày 21/03/2014 18:42 GMT+7

Nhiệm vụ đặt ra trong hai năm 2014-2015 là làm sao phải cổ phần hóa được 432 doanh nghiệp Nhà nước. Mỗi năm tới đây, Nhà nước sẽ phải cổ phần hóa 216 doanh nghiệp, con số này gấp 3 lần kết quả của năm 2013 và gấp 16 lần kết quả của năm 2012.

Sức ép cổ phần hóa là rất lớn trong 2 năm tới. Vậy, chúng ta phải thực hiện việc cổ phần hóa như thế nào? Và tại sao, trong suốt những năm qua, chúng ta không thực hiện việc cổ phần hóa mà phải dồn lại trong hai năm ngắn ngủi còn lại.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Đình Cung – Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trên thực tế, chúng ta chỉ thực hiện việc cổ phần hóa chậm trong 3 năm gần đây. Trước đó, giai đoạn 2000 – 2005, chúng ta đã thực hiện theo đúng kế hoạch cả về số lượng lẫn chất lượng.

“Sự chậm trễ này có nhiều nguyên nhân, từ mặt thể chế, bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế. Đặc biệt, các năm 2007 đến 2009, thị trường bùng nổ, nhiều khoản đầu tư vào các doanh nghiệp, chi phí đầu tư với giá cao. Sau đó, kinh tế sụt giảm. Từ năm 2011, thị trường xấu đi, động lực cổ phần hóa tụt giảm dần', ông Cung cho biết.

Là người công tác lâu năm ở Quốc hội, ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, nguyên nhân là do thiếu pháp luật về cổ phần hóa. Đây là vấn đề lớn của quốc gia nhưng Quốc hội lại không có luật hay nghị quyết nào.

Nhận thức được nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, những người trong cuộc cũng cần phải hiểu rõ mục đích thực sự của việc cổ phần hóa. Thực tế cho thấy, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay chưa hiểu được mục tiêu mà đơn vị mình phải cổ phần hóa, có thể để cắt lỗ, tăng cường cạnh tranh của doanh nghiệp, giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước hoặc huy động vốn để thực hiện dự án. Qua đó, những người trong cuộc tìm được động lực trong tình hình hiện tại để thúc đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa.

Về vấn đề này, chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh phân tích, cần phải hiểu rõ vai trò của Nhà nước, vai trò của các doanh nghiệp nhà nước để thấy được mục tiêu cổ phần hóa. Mỗi doanh nghiệp lại có mục tiêu cổ phần hóa khác nhau. Có doanh nghiệp cần giữ lại một phần vốn nước nước, còn lại cổ phần hóa; có doanh nghiệp cần cổ phần hóa toàn bộ. Điều này tùy thuộc vào mục tiêu của doanh nghiệp để có được động lực cổ phần hóa nhưng phải phụ thuộc vào chủ sở hữu nhà nước.

Để có cái nhìn sâu rộng hơn về vấn đề này, mời quý độc giả cùng theo dõi chương trình Đối thoại chính sách với chủ đề "Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước" qua video dưới đây:

Chương trình Đối thoại chính sách với những chủ đề được nhiều khán giả quan tâm lên sóng thứ 4 hàng tuần trên kênh VTV1 của Đài THVN. Mời quý độc giả chú ý đón xem!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước