Tại xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, vạt rừng hàng chục mét đã trôi ra biển. Mấy lớp nhà đã phải dọn đi. Không còn đai rừng che chắn, sóng gió đánh trực diện vào sát vách nhà bà Nguyễn Thị Loan. Chẳng bao lâu nữa gia đình bà Loan cũng phải chạy lở. Chiều dài mất rừng là 12km so với 21km bờ biển. Đặc biệt, từ năm 2000 tới nay, tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng, trong khi đê rất thấp, không chịu được gió cấp 9, do vậy phải có đai rừng phòng hộ mới có thể chống chịu với biến đổi khí hậu.
Trong 10 năm trở lại đây, tỉnh Cà Mau mất gần 9.000 ha rừng phòng hộ do sạt lở. Thiếu lá chắn rừng phòng hộ, nhiều tuyến đê biển đã trở nên yếu thế trước những cơn sóng dữ. Do vậy, tốc độ sạt lở đang ngày càng gia tăng ở cả hai phía Đông và Tây.
Rừng phòng hộ là vành đai xanh che chắn, bảo vệ, giữ phù sa để gây bồi, tạo bãi, nhưng giờ đây vành đai này luôn trong tình trạng có thể tan biến vào bất cứ lúc nào. Tại ĐBSCL, nhiều nơi độ dày rừng phòng hộ từ 1,5 - 2 km nay đã bị sạt lở đến sát chân đê. Dự báo, nhiều km rừng phòng hộ sẽ tiếp tục "tan theo bọt biển".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!