TP Hà Nội, Bộ GT-VT đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo TP Hà Nội tiếp tục rà soát để bố trí hợp lý các tuyến xe khách thuộc diện điều chuyển về 2 bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm. Kế hoạch dự định sẽ chuyển hết tuyến đi Nam Định về bến Giáp Bát và đi các chuyến đi Thái Bình về bến Nước Ngầm. Tuy nhiên, hiện nay đang còn rất nhiều ý kiến trái chiều mà các cơ quan chức năng cần phải cân nhắc khi quyết định có điều chuyển hay không.
Hai bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm đều nằm ở cửa ngõ phía Nam thành phố và cách nhau chỉ khoảng 1km. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng do nằm rất gần nhau nên nếu điều chuyển sẽ không xáo trộn lớn tới việc đi lại của người dân nhưng nó lại ảnh hưởng trực tiếp tới một số đơn vị vận tải cũng như 2 bến xe.
Hiện tại, ở bến xe Giáp Bát, tuyến đi Nam Định có 281 chuyến/ngày, bến xe Nước Ngầm có 170 chuyến/ngày; tuyến đi Thái Bình, bến Giáp Bát có 137 chuyến/ngày, bến Nước Ngầm có 167 chuyến/ngày. Nếu chuyển tập trung xe đi một tỉnh vào cùng một bến xe, tổng số chuyến 1 ngày đi mỗi tỉnh sẽ rất lớn.
Hiện phía các nhà xe đang tồn tại 2 luồng ý kiến. Với các nhà xe lớn có tên tuổi, luôn đông khách, phần lớn họ đề nghị giữ nguyên như cũ tại 2 bến không điều chuyển. Ngược lại, với các nhà xe nhỏ kém uy tín lại mong muốn chuyển tất cả xe đi mỗi tỉnh về 1 bến.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu lựa chọn theo phương án đề xuất là xe đi Thái Bình về hết bến Nước Ngầm và đi Nam Định về bến Giáp Bát, việc sắp xếp biểu đồ hoạt động tại cùng một bến xe sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Khi đó, với 451 chuyến xe/ngày đi Nam Định hay 304 chuyến/ngày đi Thái Bình, tần suất hoạt động trên 2 tuyến ở mức rất cao vì chỉ khoảng 5 phút sẽ có 1 chuyến xuất bến.
Không chỉ ổn định trong bến mà việc đảm bảo giao thông khu vực bên ngoài 2 bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm cũng cần phải được tính đến khi hiện nay tình trạng ùn ứ giao thông ở đây đã đến mức báo động, nhất là vào các giờ cao điểm.
Bên cạnh đó, khi các xe đi 1 tỉnh về 1 bến liên tục nối đuôi nhau xuất bến sẽ rất dễ xuất hiện hiện tượng phóng nhanh, vượt ẩu tranh giành khách trên đường gây mất trật tự an toàn giao thông.
Có thể nói rằng phương án nào cũng có ưu nhược điểm của nó. Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp khi được hỏi đều mong muốn giữ nguyên như hiện trạng ban đầu để ổn định sản xuất kinh doanh. Nhất là khi họ đã chịu ảnh hưởng từ cuộc điều chuyển lớn nhất vào đầu năm 2017. Do vậy, Hà Nội cần thận trọng trước khi đưa ra quyết định điều chuyển để đảm bảo hài hòa lợi ích quản lý của Nhà nước cũng như ổn định hoạt động của các đơn vị vận tải.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!