Chỉ cần một tin đồn là có thể gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển bùng nổ như hiện nay, mọi thông tin được lan truyền trên mạng đến người dùng rất dễ dàng. Thế nhưng rất nhiều thông tin trên đó lại không được kiểm chứng rõ ràng như: Quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật, giả mạo fanpage, giả mạo tài khoản ngân hàng.
Vào ngày 8/2/2019, facebooker Diệp Xuân Hạ với hơn 20.000 người theo dõi đã có một bài viết với nội dung cho rằng siêu thị Aeon tại TP.HCM đang bán mỹ phẩm của nhãn hàng sakura là kem trộn, không được sản xuất tại Nhật Bản. Toàn bộ bài viết facebooker này không hề đưa ra một chứng cứ mà chỉ dựa trên quan điểm cá nhân. Sau đó, bài viết này đã có hàng trăm bình luận xấu và bị chia sẻ qua nhiều trang fanpage khác.
Chỉ sau vài ngày khi Diệp Xuân Hạ đăng bài viết, công ty liên tục nhận được phản hồi từ khách hàng gây thiệt hại không nhỏ đến uy tín cũng như doanh thu của đơn vị. Những cuộc gọi điện hoặc khách hàng đã đến tận công ty để tìm hiểu lại sản phẩm. Sự e ngại là có thật.
Nổi bật mới đây là sự ồn ào quanh việc một thanh niên chuyên đánh giá về các điểm du lịch, ăn uống đăng tải clip và đánh giá dịch vụ một khu nghỉ dưỡng hạng sang tại Phan Thiết. Kết quả là nơi đây và những cái tên na ná dù không liên quan, không cùng ngành nghề đã chịu một cơn bão giận dữ của cộng đồng mạng sau khi clip được đăng với hơn 10.000 lượt đánh giá 1 sao, mức đánh giá thấp nhất về dịch vụ hoặc các bình luận tiêu cực từ cộng đồng mạng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!