Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài dừng ngay việc đưa lao động đi làm việc tại các khu vực có dịch. Doanh nghiệp không chấp hành sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan đại diện lao động tại các vùng dịch cũng cần có các biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo người lao động (kể cả lao động bất hợp pháp) chủ động khai báo y tế, theo dõi sức khỏe theo quy định của các nước sở tại trong trường hợp bị nhiễm hoặc nghi nhiễm dịch COVID-19 hoặc đến từ các vùng khác.
Đối với những lao động về nước từ vùng dịch do hết thời hạn hợp đồng, về trước thời hạn hợp đồng và những trường hợp cá biệt khác thì thực hiện việc tiếp nhận và cách ly y tế và giám sát theo đúng quy định của Bộ Y tế. Cục Quản lý lao động ngoài nước đề xuất cấp thẩm quyền có phương án chỉ đạo và ứng phó kịp thời khi tình hình dịch bệnh chuyển biến phức tạp, nhất là khu vực tâm dịch.
Về vấn đề lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (nhất là lao động tại Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản), cần đẩy mạnh việc tuyên truyền ứng dụng “Kết nối người lao động đang làm việc ở nước ngoài” (COLAB SOS) của Trung tâm lao động ngoài nước. Đồng thời, tuyên truyền, động viên, khuyến khích người lao động Việt Nam ở nước ngoài, nhất là tại Daegu và Gyeongbuk (Hàn Quốc) yên tâm làm việc, hạn chế đi lại, không đến các vùng có dịch và không rời khỏi quốc gia, vùng lãnh thổ đó khi không cần thiết nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh…
Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến 21h30 ngày 26/2, trên thế giới có 81.270 ca mắc; 2.770 trường hợp tử vong trong đó, 2.715 ca là tại Trung Quốc đại lục. Tại Việt Nam, tổng số ca mắc vẫn là 16 ca, không có thêm ca nhiễm mới trong vòng 13 ngày qua. Cả 16 trường hợp này đã được điều trị khỏi và ra viện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!