Giải bài toán rủi ro nông nghiệp nhìn từ chăn nuôi lợn

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 09/02/2020 22:31 GMT+7

VTV.vn - Trong những năm gần đây, mặc dù nông nghiệp là lĩnh vực đầu tư thu hút sự tham gia của nhiều DN, tập đoàn lớn nhưng đây vẫn là ngành rủi ro nhất trong những ngành rủi ro.

6 tháng trở lại đây, người chăn nuôi ở Ngọc Lũ có một nghề mới: nghề lướt sóng lợn. Lần đầu tiên những con lợn nặng từ 90 kg đến 1 tạ được coi là lợn giống. Chúng được mua từ những DN lớn rồi đưa về đây để vỗ béo.

Hôm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh (Xã Ngọc Lũ, Bình Lục, Hà Nam) xuất chuồng lứa lợn sau 2 tháng thả nuôi. Trung bình mỗi con lợn tăng từ 30 - 40 kg so với lúc mới vào đàn. Số lượng lợn lướt sóng đến đâu, thương lái tiêu thụ hết đến đó.

Xã Ngọc Lũ đến giờ vẫn nằm trong vùng bị dịch tả lợn châu Phi đe dọa. Lướt sóng lợn chỉ là cách bất đắc dĩ và đầy rủi ro để người chăn nuôi tồn tại.

Nhìn lại 5 năm qua, hết cơn bão giá lợn này đến đợt dịch khác đã làm cho cả xã - vốn được xem là vùng chăn nuôi lợn lớn nhất miền Bắc, kiệt quệ. Số hộ nuôi lợn ở Ngọc Lũ bây giờ đã giảm 80-90% so với trước đây.

Vài chục năm nuôi lợn đã giúp ông Phạm Bá Huỳnh (Xã Ngọc Lũ, Bình Lục, Hà Nam) đủ điều kiện xoay sở qua những thăng trầm của nghề, nhưng, dù vẫn là một trong những người giàu nhất xã Ngọc Lũ, ông vẫn phải vay nợ ngân hàng.

Trong đợt dịch tả lợn châu phi, riêng huyện Bình Lục phải tiêu hủy hơn 42 nghìn con lợn. Nhiều hộ chăn nuôi không còn khả năng trả nợ. Vì vậy, trong số 400 tỷ đồng vốn vay chăn nuôi lợn ở Bình Lục, ngân hàng nông nghiệp đã phải cơ cấu lại nợ tới gần 80 tỷ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước