Mặc dù đã qua thời điểm nóng khi hàng loạt người lao động ở các địa phương chấp nhận nghỉ việc trước tuổi vào năm 2017, trong 5 tháng đầu năm nay, theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đã có gần 300.000 người làm thủ tục hưởng chính sách trợ cấp một lần. Những lao động này phần lớn ở độ tuổi 35 - 40 và tập trung ở một số ngành nghề như: da giày, dệt may, thủy sản. Đây là một nghịch lý khi độ tuổi tuyển dụng mới lao động ở những doanh nghiệp thuộc ngành này luôn bị giới hạn không vượt quá con số 35 tuổi.
Nhiều lao động đã xin nghỉ sớm vì họ không đủ sức khỏe đảm nhiệm công việc. Tuy nhiên, lý do để người lao động nghỉ việc trước tuổi không chỉ dừng lại ở đây. Có một thực tế đáng buồn hơn là tình trạng này đang có xu hướng lan rộng ra những ngành nghề khác.
Hiện có 4 hình thức buộc người lao động phải nghỉ việc trước tuổi được Trung tâm Tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động TP.HCM ghi nhận trong 6 tháng đầu năm nay gồm: chuyển làm công việc không phù hợp chuyên môn; chuyển địa điểm làm việc không phù hợp; thay đổi cách tính lương, thu nhập; vận động nghỉ trước tuổi được hỗ trợ nhiều tháng lương. Với cả 4 hình thức này đều có những quy định cụ thể của pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Quy định của pháp luật đã có, những tổ chức đoàn thể cũng sẵn sàng đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
Tuy nhiên, chính bản thân người lao động đôi khi lại tự chấp nhận thiệt thòi bởi chưa biết được quyền lợi của chính mình. Việc này không chỉ khiến người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp về đời sống của bản thân và gia đình, xã hội cũng lãng phí một nguồn lực rất lớn khi độ tuổi lao động của nước ta là 60 tuổi với nam giới và 55 tuổi với nữ giới. Lãng phí này sẽ còn lớn hơn nữa nếu độ tuổi nghỉ hưu được nâng lên 62 tuổi với nam giới và 60 tuổi với nữ giới trong lộ trình của những năm tiếp theo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!