Cùng với GS Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, GS Hà Văn Tấn được xem là "tứ trụ" của ngành sử học nước nhà. Ông mất đi, cũng là người cuối cùng 4 cây đại thụ nằm xuống, để lại sự thương tiếc cho giới sử học, các nhà khoa học và nhân dân cả nước.
Trong hơn 60 năm miệt mài nghiên cứu và giảng dạy, GS.NGND. Hà Văn Tấn đã viết hàng trăm đầu sách, bài báo và công trình khoa học. Ông đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000, với công trình nghiên cứu về các nền văn hóa cổ. Trong đó, ông đã xác định rõ các giai đoạn phát triển của thời đại đồ đồng, một phát hiện có tính chất nền tảng để chúng ta nhận thức về lịch sử Việt Nam thời cổ đại.
Viện Khảo cổ học là nơi GS. Hà Văn Tấn một thời gian dài làm viện trưởng. Nhờ định hướng của ông, ngành khảo cổ học lịch sử đã bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, tức là nghiên cứu khảo cổ thông qua các yếu tố lịch sử như: kiến trúc, thương cảng, làng nghề thủ công, khảo cổ học dưới nước, trước kia chưa được coi trọng…
Không chỉ ở lĩnh vực khảo cổ, tri thức của GS. Hà Văn Tấn đạt đỉnh cao ở nhiều lĩnh vực nghiên cứu. Ông thông thạo tới 7 ngoại ngữ. Với các học trò, ông chính là một tấm gương mẫu mực về phương pháp làm việc nghiêm cẩn, kỹ càng, bài bản
Giới sử học và khảo cổ học gọi GS. Hà Văn Tấn là đại sư - người thầy lớn. Người thầy ấy, như bóng cây đại thụ đã nằm xuống, hoàn thành sứ mệnh cống hiến cho khoa học, cho đất nước. Ông còn nhiều dự định dang dở, nhưng nó sẽ được tiếp nối xứng đáng, bởi hơn hết ông đã để lại cho đời nhân cách cao đẹp của một nhà khoa học chân chính, một nhà giáo nhân dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!