Trong kỳ họp Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội diễn ra vào đầu tháng 7, Sở Giao thông vận tải đã trình bày Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030, gọi tắt là Đề án quản lý phương tiện giao thông. Đề án đã được Hội đồng Nhân dân thông qua và sẽ được Sở Giao thông vận tải nghiên cứu cụ thể, hoàn thiện đề án trước khi đi vào thực hiện.
Thông tin TP Hà Nội sẽ dừng hoạt động phương tiện xe máy từ năm 2030 đã khiến nhiều người quan tâm vì việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân Thủ đô.
Nói về Đề án quản lý phương tiện giao thông, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân là xe máy sẽ giúp giảm tình trạng ách tắc giao thông cũng như giảm bớt gánh nặng về ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội.
Ông cho biết: "Các nước trên thế giới đưa ra lộ trình hạn chế xe máy từ 5 - 10 năm nhưng Hà Nội đưa ra lộ trình từ nay đến hết năm 2030, tức là 13 năm. Trong thời gian này, chúng ta sẽ xây dựng các kế hoạch, các cơ sở hạ tầng để đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, có phương tiện khác thay thế khi dừng hoạt động xe máy. Trong 13 năm này, hi vọng người dân sẽ thay đổi được thói quen đi lại bằng xe máy".
Nói về tính khả thi của đề án, Giám đốc Sở GTVT cũng cho hay Hà Nội sẽ đi đầu trong cả nước về việc nghiên cứu phương án hạn chế xe máy. Mặc dù kế hoạch được nhận định có khó khăn khi đưa vào thực hiện nhưng Giám đốc Sở GTVT vẫn hi vọng sẽ nhận được sự giúp đỡ từ người dân và các doanh nghiệp bằng cách thay đổi được thói quen đi lại, thành phố cũng sẽ hướng đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn để có thể dừng hoạt động của xe máy.
Ông Viện cho hay: "Hiện Sở GTVT đang phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải để tiếp tục nghiên cứu và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chuẩn khí thải và niên hạn sử dụng xe máy để thu hồi dần những xe cũ nát. Ngoài ra, Sở cũng sẽ phát triển giao thông công cộng, giảm dần phương tiện cá nhân trên một số tuyến đường. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu các tuyến đường có phương tiện giao thông công cộng tốt thì sẽ cho phương tiện cá nhân dừng lưu thông. Ví dụ như trên tuyến đường xe bus nhanh BRT đã cho dừng hoạt động của xe taxi vì nhu cầu giao thông công cộng đã đáp ứng được một phần. Chúng tôi sẽ mở rộng hơn để tạo thêm thói quen cho người dân, giảm dần sự lệ thuộc vào xe máy".
Trước câu hỏi TP sẽ có những loại phương tiện công cộng nào để đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân sau 13 năm tới, ông Vũ Văn Viện cho hay, Hà Nội đã triển khai các cơ sở hạ tầng mang tính kết nối, đồng bộ như tập trung xây dựng theo quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị, đầu tư thêm các tuyến xe bus nhanh BRT, thêm nhiều điểm đỗ...
Không phải "cấm" mà chỉ "dừng"
Nhiều người dân vẫn thắc mắc rằng liệu đến năm 2030, người dân có nhu cầu sử dụng xe máy và điều khiển xe máy trên đường thì có bị phạt không. Ông Viện cũng cho hay, trong Đề án không "cấm xe máy" mà chỉ "dừng xe máy". Đến năm 2030, người dân vẫn có thể hoạt động phương tiện cá nhân trong một thời điểm thích hợp, trong những khu vực nhất định, được đăng ký và sở hữu nhưng phải hoạt động theo quy định của thành phố.
Theo ông Vũ Văn Viện, đề án Quản lý phương tiện cá nhân đưa các nhóm giải pháp giảm ùn tắc, trong đó sẽ tập trung nâng cao năng lực quản lý nhà nước về vận tải, sắp xếp điều chuyển luồng tuyến khoa học, hợp lý theo chỉ đảo của Bộ GTVT, khai thác hiệu quả xe bus nhanh để nâng cao hiệu quả kết nối giao thông công cộng, đặc biệt là khi tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động trong thời gian tới. Đặc biệt, giải pháp áp dụng cuộc cách mạng 4.0, sử dụng ứng dụng giao thông thông minh sẽ mang nhiều tính quyết định, tăng cường hơn tính kết nối giữa người dân với phương tiện giao thông.
Giám đốc Sở GTVT cho hay, đến năm 2030, thành phố đã có thể đầu tư tương đối đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông. Với những quy hoạch đang được đặt ra, tỷ lệ vận tải công cộng sẽ đáp ứng được 40% - 50% nhu cầu đi lại của người dân.
Lộ trình thực hiện được Hà Nội chia làm 3 giai đoạn:
2017 - 2018: thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường quản lý nhà nước với vận tải
2017 - 2020: thực hiện các giải pháp quản lý về số lượng, chất lượng phương tiện và phát triển vận tải công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn lẻ với các tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng. Cấp hạn ngạch với xe taxi và các xe hoạt động tương tự taxi như Uber, Grab… Chủ xe ô tô phải mở tài khoản để thực hiện thu phí tự động, nộp phạt, đấu giá quyền khai thác taxi thay thế hàng năm và taxi tăng thêm.
2017 - 2030: từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!