Hà Nội: Xử phạt thức ăn đường phố vi phạm cần quyết liệt hơn

Minh Đức-Thứ hai, ngày 22/10/2018 12:00 GMT+7

VTV.vn - Mặc dù thành phố thường xuyên tuyên truyền, thậm chí cấp kinh phí để mua vật dụng, găng tay... Tuy nhiên thói quen không chú trọng đến vệ sinh ATTP vẫn khó thay đổi.

Từ ngày 20/10, những quy định về xử phạt vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP đã chính thức có hiệu lực thi hành. Trong đó, hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thức ăn hay thức ăn không được che đậy ngăn bụi bẩn… có thể bị xử phạt tiền triệu.

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 26.600 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong đó có hơn 5.210 cơ sở thức ăn đường phố. Mặc dù thức ăn đường phố là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng vẫn là vấn đề tồn tại trong nhiều năm qua.

Nguyên nhân do một số chính quyền địa phương chưa quan tâm thường xuyên, nể nang trong quản lý, xử phạt vi phạm chưa nghiêm. Ý thức thực hành vệ sinh của người chế biến còn hạn chế, ý thức một bộ phận người tiêu dùng còn dễ dãi, đơn giản trong lựa chọn cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

Ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, từ trước đến nay, UBND phường giao nhiệm vụ quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm thức ăn đường phố cho cán bộ thuộc Trạm Y tế phường. Theo đó, cơ quan địa phương sẽ thành lập tổ kiểm tra liên ngành và các tổ giám sát an toàn thực phẩm thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, giám sát, tư vấn, hướng dẫn các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.

Ông Tụ cho rằng, vì cách thức trên đã được thực hiện trong nhiều năm, đã trở thành một "lối mòn" nên việc xử phạt những hành vi vi phạm các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP sẽ không hề dễ dàng. Do số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố rất lớn và luôn biến động, nên việc quản lý rất khó khăn. 

Hơn nữa, nhiều quán ăn bình dân, giá rẻ, cơ sở chật hẹp, lại hoạt động ở vỉa hè, lòng đường… nên rất khó quản lý, đặc biệt là khi lực lượng chuyên trách vệ sinh an toàn thực phẩm của phường còn mỏng. Nhìn nhận khách quan thì các tổ kiểm tra liên ngành cũng hay có tâm lý nể nang, đưa ra các hình phạt chưa thực sự có tính răn đe. Chưa nói đến việc người kinh doanh có tư tưởng đối phó, khi đoàn kiểm tra đến thì họ thực hiện nghiêm nhưng lực lượng chức năng rời đi là họ lại vi phạm.

Năm 2013, thành phố đã thí điểm mô hình quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với kinh doanh ăn uống, thức ăn đường phố tại tuyến phố Trung Liệt, Đống Đa và tuyến phố Núi Trúc, quận Ba Đình. Cán bộ chuyên môn, chủ các cơ sở kinh doanh, người tham gia chế biến thực phẩm được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm thức ăn đường phố. Các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên toàn phường được phát găng tay sử dụng một lần, cấp tủ kính cất giữ thức ăn với các hộ gặp khó khăn… 

Thành phố Hà Nội cũng đã cấp kinh phí cho các quận, huyện tham gia thí điểm tổ chức tập huấn, cấp phát, hỗ trợ các hộ kinh doanh từ những vật dụng nhỏ nhất như: Thùng đựng rác, tạp dề, mũ, sổ ghi chép nguồn gốc thực phẩm, bảng công khai niêm yết nguồn gốc thực phẩm… Thế nhưng, để thay đổi thói quen từ kinh doanh nhỏ lẻ không chú trọng an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, sang mô hình mới, có kiểm soát là không đơn giản.

Theo Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội, để chấn chỉnh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các hộ kinh doanh thức ăn đường phố, về lâu dài, thành phố nên mở rộng thí điểm các mô hình kinh doanh thức ăn đường phố "sạch" như có biện pháp hỗ trợ, trợ giá cho người kinh doanh thức ăn đường phố sắm sửa các trang thiết bị… Đồng thời tuyên truyền để người kinh doanh cũng như người tiêu dùng tự nâng cao ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước