Mỗi năm, hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ở các cấp. Trong số đó, không ít văn bản không sát với thực tiễn, thiếu tính khả thi hoặc không phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.
Ví như tại một trong những cây xăng đầu tiên tại Hà Nội có máy in biên lai theo quy định của Thông tư 15 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, sau 1 năm, máy cũng không có giấy vì chẳng ai cần in bởi hóa đơn thì nhân viên bán hàng có thể cấp ngay tại chỗ nếu cần.
Thời hạn đầu tiên các cây xăng phải lắp thiết bị này là 1/7/2018 nhưng sau đó được hoãn lại đúng 1 năm. Nhưng đến thời điểm này, phần lớn các cây xăng vẫn chưa lắp.
Thông tư 15 của Bộ Khoa học và Công nghệ đã từng bị Bộ Tư pháp tuýt còi vì sai thẩm quyền ban hành, sau đó được sửa đổi bằng Thông tư 08. Thông tư này đã sửa từ máy in chứng từ thành thiết bị đo. Trong khi đó, mỗi thiết bị phải gắn thêm là thêm chi phí mà doanh nghiệp phải gánh chịu.
Theo Bộ Tư pháp, chỉ từ năm 2018 đến đầu năm 2019, khoảng 157 văn bản quy phạm pháp luật bị phát hiện có nội dung chưa bảo đảm tính hợp pháp. Không ít những đề xuất chưa ban hành văn bản đã thiếu thực tế, gây phản ứng mạnh mẽ trong xã hội như mất bằng lái xe phải thi lại, danh mục thức ăn chăn nuôi theo tập quán, lợn không được ăn bèo, cây chuối hay mất giấy phép kinh doanh phải làm thủ tục tương tự như cấp mới…
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), văn bản pháp luật bị chi phối nhiều từ ý chí chủ quan của cơ quan soạn thảo và ban hành.
Ban hành văn bản pháp luật trải dài từ khâu soạn thảo đến chấp hành thực hiện. Văn bản pháp luật phải phù hợp với thực tiễn xã hội với năng lực thực hiện của xã hội thì mới có tính khả thi. Nếu không, sẽ chỉ tồn tại dưới hình thức văn bản mà không thể đi vào thực tế cuộc sống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!