Ngày 27/5, Quốc hội thảo luận về phòng, chống xâm hại trẻ em

PV-Thứ tư, ngày 27/05/2020 06:01 GMT+7

Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Quốc hội dành trọn ngày 27/5 để bàn về những kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, hôm nay (27/5), Quốc hội dành trọn 1 ngày để thảo luận về vấn đề phòng, chống xâm hại trẻ em. Các phiên thảo luận này sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 từ 8h00 đến 11h30 và từ 14h00 đến 17h00 hôm nay.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga sẽ trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện chưa phản ánh đầy đủ thực tế

Trước đó, vào ngày 27/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em".

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga - Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát nêu rõ, đối với tình hình chung về xâm hại trẻ em, qua giám sát cho thấy, còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em; đồng thời công tác theo dõi, thống kê tình hình trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến, số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế.

Ngày 27/5, Quốc hội thảo luận về phòng, chống xâm hại trẻ em - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em"

Qua khảo sát tại địa phương cho thấy, hầu hết trẻ em phải tham gia lao động sớm đều có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn; mục đích tham gia lao động để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, được gia đình đồng thuận; chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc đưa các em trở về nhà; việc xử lý hành vi môi giới, sử dụng, bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật chưa nghiêm; do đó, tình trạng này chưa được ngăn chặn hiệu quả. Đối với các trường hợp tảo hôn chủ yếu ở một số vùng dân tộc thiểu số nơi nhiều người dân vẫn còn tập tục lạc hậu, nhận thức pháp luật còn hạn chế, cần phải có lộ trình và nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục.

Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Đoàn giám sát đã chỉ ra được kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; Công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em; Công tác hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại; Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; Công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em; Công tác tổ chức, cán bộ, bảo đảm kinh phí phòng, chống xâm hại trẻ em; Bài học kinh nghiệm.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành các nội dung báo cáo của Đoàn giám sát; đánh giá Hồ sơ của Đoàn giám sát đã đủ điều kiện để trình ra Quốc hội; đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Phiên họp này, tiếp tục hoàn thiện nội dung báo cáo kết quả giám sát để trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước