Khó khăn hành trình đòi quyền lợi cho người lao động

Vấn đề hôm nay-Thứ tư, ngày 29/03/2017 05:00 GMT+7

VTV.vn- Theo TS Trần Thị Thanh Hà - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, quá trình đòi quyền lợi cho người lao động phụ thuộc vào quy định của luật pháp và sự ủy quyền với Công đoàn.

Mới đây, vụ việc hơn 600 lao động được trả nợ lương gần 4 tỷ đồng đã gây chấn động dư luận. Công đoàn huyện Củ Chi (TP.HCM) đã thắng kiện trong vụ kiện Công ty Sae Hwa Vina. Tuy nhiên, hành trình để có được công bằng vô cùng gian nan.

Vụ việc kéo dài ròng rã 7 năm, cho thấy việc chủ sử dụng lao động nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội vẫn là câu chuyện dài và nhức nhối. Trong đó, người lao động thường rất khó khăn trong việc đòi lại công bằng và quyền lợi cho mình.

Lý giải về thời gian và những vướng mắc trong vụ việc, TS Trần Thị Thanh Hà – Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – cho biết: "Công đoàn thường khởi kiện các tranh chấp lao động từ những quy định trước của bộ Luật Lao động, Luật Tố tụng dân sự năm 2002 hoặc Luật Công đoàn. Chủ yếu việc Công đoàn khởi kiện đến từ những tranh chấp cá nhân và được người lao động ủy quyền. Nhưng gần đây, theo những quy định mới của bộ Luật Tố tụng dân sự có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016, Công đoàn mới bắt đầu khởi kiện về tranh chấp trong tập thể".

Khó khăn hành trình đòi quyền lợi cho người lao động - Ảnh 1.

TS Trần Thị Thanh Hà – Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

"Còn như trong trường hợp ở vụ kiện này, hơn 600 người lao động phải gửi hơn 600 lá đơn lên Tòa án nhân dân cấp huyện. Lúc đó, Tòa án mới thụ lý những đơn khởi kiện với tư cách là cá nhân và được ủy quyền cho Công đoàn. Điều đó có nghĩa là Tòa án phải thụ lý hơn 600 vụ án. Cán bộ Công đoàn, từ Công đoàn cơ sở cho đến Liên đoàn cấp quận, huyện và cấp tỉnh đã phải rất vất vả, khó khăn trong 7 năm cho đến lúc thi hành án", TS Trần Thị Thanh Hà nhấn mạnh.

Trên thực tế, tranh chấp xảy ra giữa người sử dụng lao động và người lao động có nhiều hình thức, nhất là trong vấn đề nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội. Với các vụ việc như vậy, người lao động luôn phải chịu thiệt thòi và chuyện thắng kiện ít khi xảy ra. Do đó, việc bảo vệ quyền lợi của người lao động cần đến sự chủ động của Công đoàn các cấp. Đồng thời, luật pháp cũng cần được sửa đổi những điểm chưa đồng bộ về bộ Luật Lao động, Luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội nhằm tạo thuận lợi cho Công đoàn trong công tác này.

Để lắng nghe cuộc trao đổi với TS Trần Thị Thanh Hà, mời quý vị theo dõi video Vấn đề hôm nay dưới đây:

Khó khăn * Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước