Không để tranh chấp quyền đầu tư ảnh hưởng tới học sinh

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 11/05/2019 20:43 GMT+7

VTV.vn - Mới đây, đại diện 11 trường phổ thông tư thục đã gửi đơn kiến nghị về một số điểm điều chỉnh mới trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.

Những điều chỉnh này được cho là sẽ phương hại nghiêm trọng đến quyền sở hữu và quyền điều hành của nhà đầu tư trường tư thục. Vào sáng nay (11/5), đại diện các trường đã có cuộc làm việc với Đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự thảo Luật này nhằm đề nghị làm rõ những vấn đề trên.

Có 2 điểm chính khiến đại diện 11 trường phổ thông tư thục phản ứng với quy định mới trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi:

Một là: Không đồng tình với việc các trường tư thục phải thành lập Hội đồng trường, trong đó bao gồm cả những thành viên không tham gia góp vốn như chủ tịch công đoàn, đại diện Đoàn Thanh niên, đại diện giáo viên. Hiện nay, đa phần các trường tư thục điều hành trường thông qua Hội đồng quản trị.

Hai là: Dự thảo Luật mới quy định "tài sản của trường tư thuộc sở hữu của pháp nhân nhà trường" thay vì thuộc sở hữu của các thành viên góp vốn như hiện nay. Điều này khiến các nhà đầu tư lo lắng, họ bỏ tiền ra đầu tư nhưng không được sở hữu trường.

Sau rất nhiều ý kiến trao đổi giữa các nhà lập pháp và các nhà đầu tư, những băn khoăn này đã được làm sáng tỏ. Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi không tước quyền điều hành và quyền sở hữu của nhà đầu tư, mà tách biệt hoạt động điều hành chiến lược của Hội đồng quản trị khỏi hoạt động chuyên môn hàng ngày. Điều này đảm bảo những tranh chấp của các nhà đầu tư sẽ không gây ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của trường.

Sau cuộc làm việc sáng nay, một số nhà đầu tư cho biết: Họ đã được giải tỏa băn khoăn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước