Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cần tiếp tục hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm đi cùng với không nhân nhượng đối với những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ quyền cơ bản của công dân.
Trong 3 năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội và Chính phủ cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nên nhiều thành phố lớn như Hà Nội không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn.
Trong năm qua, cả nước ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm, với trên 1.900 người đi viện, 8 người thiệt mạng, giảm 32 vụ, còn số người đi viện và thiệt mạng giảm xuống trên dưới một nửa so với năm 2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm ở nước ta trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực đồng bộ, toàn diện trên các mặt đó là một điều đáng mừng đối với Chính phủ đối với Quốc hội, đặc biệt đối với người dân. Từ kinh nghiệm này, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm phải được tăng cường hơn nữa, bởi đây là trách nhiệm của toàn xã hội, cả hệ thống chính trị mà trực tiếp là chính quyền địa phương để bảo vệ quyền cơ bản của công dân, đó là được bảo đảm sức khỏe và an toàn tính mạng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh để bảo vệ quyền cơ bản của công dân, việc bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ không chỉ được đẩy mạnh trong thời gian tới mà sẽ là mãi mãi. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải hoàn thành sớm các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn Việt Nam; đồng thời phải đẩy mạnh công tác truyền thông để tiếp tục tuyên chiến và lên án mạnh mẽ những hành vi sản xuất, buôn bán và tiêu thụ thực phẩm không an toàn. Nếu làm tốt công tác bảo đảm an toàn an toàn thực phẩm thì sẽ góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam lên một bước mới.
Thủ tướng cho biết, sau hội nghị này, Thủ tướng sẽ ban hành Chỉ thị về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!