Mặc dù là bánh Trung thu của những thương hiệu quen thuộc, nhưng ít ai ngờ rằng chất lượng bên trong lại không hề đảm bảo. Bánh đã ngả màu và đáng báo động hơn là có sản phẩm đã lên mốc và có dấu hiệu hư hỏng. Song, một nghịch lý là chúng vẫn được bày bán trên thị trường với hạn sử dụng đến gần giữa tháng 10/2013 mới hết hạn.
‘ Bánh Trung thu ngả màu và lên mốc (Ảnh: VTV Cần Thơ)
Theo ngành chức năng, nếu người tiêu dùng không may sử dụng những sản phẩm bị nấm mốc thì khả năng bị ngộ độc là rất cao. Điều đáng nói, hiện Kiên Giang có trên 15 cơ sở sản xuất bánh trung thu lớn, nhưng qua kiểm tra của ngành chức năng thì gần như không thấy mặt hàng của các cơ sở này được bày bán trên địa bàn tỉnh, mà thay vào đó là những sản phẩm nhập từ nơi khác về với mức giá thấp hơn từ 2-3 lần.
Ông Võ Ngọc Long, Chủ cơ sở bánh Trung thu thành phố Rạch Giá, Kiên Giang cho biết: "Bánh Trung thu bán trôi nổi trên thị trường hiện nay, có nơi đã giảm giá hoặc mua 2 tặng 1 để hấp dẫn người tiêu dùng. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến thị trường và các cơ sản xuất tại địa phương".
Không chỉ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, mà phần lớn các điểm bán bánh Trung thu trên địa bàn tỉnh đều không có kê khai giá. Ngoài ý thức của chính những người kinh doanh kém, một lý do khác dẫn đến tình trạng này phải nói đến những hạn chế trong công tác quản lý của ngành chức năng hiện nay.
Ông Lâm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang cho rằng: "Lực lượng quản lý thị trường còn quá mỏng, tới mùa vụ chúng tôi phải cố gắng thực hiện kiểm tra tại các điểm trọng yếu theo chỉ đạo. Hiện mỗi huyện cũng chưa có một đội quản lý thị trường mà chỉ bố trí theo hướng liên huyện".
Trong khi chờ đợi những giải pháp tích cực từ phía ngành chức năng, hơn hết người dân nên tự bảo vệ mình bằng cách mua và sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không vì ham rẻ mà làm hại sức khoẻ của chính mình.