Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, lỗ hổng lớn nhất khiến tài sản nhà nước "rơi rớt" trong quá trình cổ phần hóa DN nhà nước nằm ở tính minh bạch. Bởi nhiều doanh nghiệp nhà nước bán cổ phần một cách lặng lẽ, chỉ có một số đối tượng mua và lại là những người trực tiếp nắm thông tin hoặc công cụ để giành phần mua, còn người ngoài không biết được để mà tham gia. Do đó, những người trong cuộc, những người nắm thông tin hoàn toàn có thể thao túng để mua với giá thấp hơn rất nhiều so với giá thực của thị trường.
Một vấn đề khác đó là tài sản lớn nhất của nhiều doanh nghiệp nhà nước chính là đất đai, nhưng khi định giá lại bị nhập nhằng giữa việc đất được Nhà nước giao trước đây với giá rất thấp hoặc cho thuê dài hạn với giá nhà nước, không được đem ra định giá công khai theo giá thị trường.
Còn chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, việc thả cho doanh nghiệp thua lỗ trước khi cổ phần hóa cũng là một chiêu để "hạ giá" tài sản nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước. Việc một số doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa thua lỗ triền miên và sau khi cổ phần hóa cũng với những lãnh đạo cũ lại biến thành doanh nghiệp có lời cao như Công ty CP Điện Quang là một hiện tượng "có vấn đề" cần làm rõ.
Để bịt lỗ hổng trong quy trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hạn chế thất thoát, các chuyên gia đều cho rằng cần tăng tính minh bạch thông qua việc công khai quá trình mua bán cổ phần, đưa ra đấu thầu công khai thay vì "sang tay nội bộ". Bên cạnh đó, cơ quan tư vấn, hội đồng giám sát quá trình định giá doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa cần có sự tham gia của các cơ quan tổ chức tư vấn độc lập, chuyên gia độc lập để đảm bảo tính minh bạch, đồng thời thanh tra và Kiểm toán Nhà nước cũng cần vào cuộc để giám sát quá trình cổ phần hóa.
Yêu cầu này càng đặt ra cấp thiết trong thời điểm này, bởi ngay sau khi đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu quá trình lựa chọn công ty tư vấn, đến định giá và bán đấu giá cổ phần của các doanh nghiệp phải được thực hiện công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 15/2 đến hết năm 2020, tất cả 240 doanh nghiệp nhà nước hiện có sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa theo quy định mới này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!