Nhất thể hóa chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch là chủ trương lớn của Đảng trong lộ trình tinh giản biên chế của toàn hệ thống chính trị. Ở ĐBSCL, tỉnh An Giang là địa phương đầu tiên thí điểm mô hình này. Sau hai năm áp dụng, mô hình đã giúp tỉnh An Giang rút ngắn thời gian giải quyết công việc ở địa phương.
Huyện Châu Phú và thành phố Long Xuyên (An Giang) là hai địa phương thí điểm việc nhất thể hóa chức danh lãnh đạo, trong đó 13 xã, thị trấn của huyện Châu Phú đều có Bí thư kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch. Lợi ích thấy rõ là thời gian giải quyết công việc được rút ngắn.
Tuy nhiên, cán bộ kiêm nhiệm phải tham gia quá nhiều cuộc họp. Bình quân, Bí thư kiêm Chủ tịch xã phải dự 20 cuộc họp trong một tháng, điều này có thể dẫn đến tình trạng các quyết sách về chủ trương, đường lối phát triển kinh tế của địa phương nhiều khi bị xa rời thực tế. Theo Tiến sỹ Nguyễn Việt Hùng, giảng viên cao cấp Học viện Cán bộ TP.HCM, muốn giải quyết vấn đề này, Bí thư kiêm Chủ tịch xã phải mạnh dạn phân quyền, giao quyền cho cấp phó.
Mặt khác, Đảng, Nhà nước phải thực hiện nghiêm chủ trương giảm hội họp. Bên cạnh đó, cần áp dụng khoa học công nghệ trong điều hành công việc, tránh tình trạng việc gì cũng triệu tập về huyện, tỉnh để họp. Có như vậy, người giữ chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch mới có đủ thời gian lo cho công việc địa phương được giao quản lý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!