Cánh cửa Đại học đối với các thí sinh sẽ rộng mở hơn kể từ năm 2017 theo dự thảo quy chế tuyển sinh do Bộ GD&ĐT mới công bố. Điểm đáng chú ý là trong năm tới, thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng hơn và bỏ điểm sàn. Sự thay đổi này được đánh giá là có lợi hơn cho thí sinh, tuy nhiên nhiều người lo ngại chất lượng của sinh viên sau khi ra trường sẽ ra sao nếu đầu vào được nới lỏng như vậy.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chuyên gia giáo dục PGS.TS Vũ Minh Khương cho biết: "Về mặt chủ trương tôi thấy rất phấn khởi vì đây là một bước đột phá trong giáo dục. Bởi hiện nay, một số trường đào tạo sinh viên không chỉ dựa vào kiến thức đơn thuần mà còn dựa vào các tiêu chí khác như phẩm chất, sự trải nghiệm,... Tuy nhiên, tôi cũng hơi lo ngại rằng Việt Nam đã đủ sẵn sàng cho sự thay đổi đột biến này chưa? Các trường đã thật sự chuyên nghiệp trong quá trình đào tạo hay Bộ Giáo dục đã đủ năng lực, cũng như ý thức, trách nhiệm trong việc giám sát và quản lý hay chưa?,...".
Đặc biệt, Việt Nam là một nước trọng bằng cấp, xã hội thì đang "thừa thầy thiếu thợ", sinh viên ra trường đang bị thất nghiệp nhiều. Trong khi đó, hiện nay, với chính sách mới, cánh cửa Đại học lại càng mở rộng hơn. Chính vì thế hơn bao giờ hết, người học phải sáng suốt lựa chọn. Họ cần ý thức rõ theo đuổi bậc Đại học là một cuộc đầu tư nghiêm túc không chỉ về tiền bạc mà còn về thời gian và cơ hội.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!