Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà giải trình trước Quốc hội trong phiên họp chiều 2/11
Trong phiên thảo luận hôm nay (2/11), các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến xung quanh những tác động xấu của phát triển kinh tế đến môi trường. Đa số các ý kiến cho rằng, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, một số khu công nghiệp, bãi rác đang chưa được quan tâm xử lý đúng mức trong khi ô nhiễm môi trường trở thành lực cản với phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Ngô Thanh Danh - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết: "Vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay đang rất nghiêm trọng, nhức nhối và lan rộng, gây ra hậu quả hết sức nặng nề cho hệ sinh thái và sức khỏe người dân. Do vậy, chúng tôi tán thành những giải pháp của Chính phủ, công tác quy hoạch, điều hành và kiểm tra giám sát cũng như xử lý vi phạm về môi trường".
Giải trình trước Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Giải quyết căn cơ vấn đề môi trường chính là tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên sau một loạt sự cố môi trường, chúng ta đã nhận thấy rằng, môi trường của chúng ta đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa".
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc đổi mới cơ cấu kinh tế, chính là xác lập một vị trí mới của vấn đề môi trường. Trước đây, môi trường đi sau so với hoạt động phát triển nhưng giờ đây, môi trường cần đi trước những hoạt động đó. Môi trường phải nằm trong từng dự án đầu tư, trong chiến lược và trong kế hoạch.
"Theo xu hướng của thế giới, nền kinh tế xanh, nền kinh tế carbon thấp cũng khẳng định mối quan hệ giữa kinh tế, phúc lợi xã hội và môi trường. Vấn đề môi trường cần được đầu tư ngay từ đầu. Chính phủ đã có những hành động để giải quyết những sự cố cụ thể như rà soát lại các nguồn thải trong quá trình phát triển kinh tế" – ông Trần Hồng Hà khẳng định.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kết thúc quá trình thanh tra 137 cơ sở, từ các khu công nghiệp cho tới vấn đề xả thải, khai thác khoảng sản, hóa chất, giấy, dệt lụa. Qua công tác kiểm tra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị cần có những biện pháp quyết liệt, nghiêm túc trong vấn đề thực hiện bảo vệ môi trường, hoàn thành đồng bộ các biện pháp để đánh giá tác động tới môi trường.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề xuất sửa đổi luật môi trường, quy định giám sát chất lượng môi trường, thông tin môi trường mà Mặt trận Tổ quốc và người dân giám sát.
Về vấn đề quản lý chưa hiệu quả tài nguyên đất, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Sử dụng hiệu quả đất đai là việc làm cấp bách nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn chưa làm được điều đó. Vấn đề lãng phí đất đai ở các nông, lâm trường, tranh cãi đất đai là vấn đề nóng bỏng".
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ động trong vấn đề nghiên cứu phương pháp để hiện đại hóa quản lý đất đai, kiểm kê đất đai. Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính bố trí hơn 600 tỷ đồng để thực hiện việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, hồ sơ cũng như xây dựng đề án sử dụng hiệu quả, tăng cường năng lực quản lý nguồn đất đai đối với các nông, lâm trường trên cả nước.